Đức Chúa Trời sẽ tha thứ cho tôi không?
Câu trả lời của Kinh Thánh
Có, Đức Chúa Trời sẽ tha thứ tội lỗi nếu bạn thực hiện những bước cần thiết. Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời “sẵn tha-thứ” và ngài “tha-thứ dồi-dào” (Nê-hê-mi 9:17; Thi-thiên 86:5; Ê-sai 55:7). Khi tha thứ cho chúng ta, ngài tha thứ hoàn toàn. Tội lỗi của chúng ta được “xóa sạch” (Công vụ 3:19). Đức Chúa Trời cũng tha thứ vĩnh viễn vì ngài nói: ‘Ta sẽ chẳng nhớ tội chúng nó nữa’ (Giê-rê-mi 31:34). Một khi tha thứ, ngài không nhắc đi nhắc lại lỗi lầm để buộc tội hoặc trừng phạt chúng ta.
Tuy nhiên, sự tha thứ của Đức Chúa Trời không phải là do yếu đuối hoặc cảm tính. Ngài không bao giờ thay đổi các tiêu chuẩn công chính của mình. Vì vậy, ngài không tha thứ cho một số tội lỗi.—Giô-suê 24:19, 20.
Những bước để được Đức Chúa Trời tha thứ
Hãy thừa nhận rằng một khi phạm tội là bạn đã vi phạm tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Dù có lẽ bạn đã làm tổn thương người khác, nhưng trước hết bạn phải nhận ra rằng bạn đã phạm tội cùng Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 51:1, 4; Công vụ 24:16.
Thú tội với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện.—Thi-thiên 32:5; 1 Giăng 1:9.
Hãy đau buồn vì tội lỗi của mình. “Sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời” dẫn đến sự ăn năn, tức thay đổi trong lòng (2 Cô-rinh-tô 7:10). Điều đó bao gồm cả việc hối hận về những bước đi sai lầm dẫn đến phạm tội.—Ma-thi-ơ 5:27, 28.
Thay đổi lối sống của mình, tức là “quay trở lại” (Công vụ 3:19). Điều này có nghĩa là bạn phải tránh tái phạm một việc làm sai, hoặc cũng có nghĩa là bạn phải thay đổi toàn bộ lối suy nghĩ và hành động của mình.—Ê-phê-sô 4:23, 24.
Hãy làm những bước để sửa chữa sai lầm hoặc thiệt hại (Ma-thi-ơ 5:23, 24; 2 Cô-rinh-tô 7:11). Nếu bạn khiến ai đó tổn thương hoặc không hoàn thành trách nhiệm với người khác, hãy xin lỗi họ và bù đắp hết mức có thể.—Lu-ca 19:7-10.
Qua lời cầu nguyện, hãy xin Đức Chúa Trời tha thứ dựa trên giá chuộc của Chúa Giê-su (Ê-phê-sô 1:7). Để lời cầu xin đó được nhậm, bạn phải tha thứ những người đã phạm lỗi với mình.—Ma-thi-ơ 6:14, 15.
Nếu bạn phạm tội trọng, hãy nói chuyện với một người có đủ khả năng giúp đỡ về tâm linh và có thể cầu nguyện cho bạn.—Gia-cơ 5:14-16.
Những quan điểm sai về việc được Đức Chúa Trời tha thứ
“Tội lỗi của tôi quá nặng, không thể tha thứ được”.
Nếu làm theo các bước mà Đức Chúa Trời nêu ra trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ được tha thứ, vì so với tội lỗi của chúng ta, thì lòng tha thứ của ngài thật không kể xiết. Ngài có thể tha thứ những tội trọng cũng như những tội tái phạm nhiều lần.—Ê-sai 1:18.
Ví dụ như vua Đa-vít của nước Y-sơ-ra-ên đã được Đức Chúa Trời tha thứ cho tội ngoại tình và giết người (2 Sa-mu-ên 12:7-13). Sứ đồ Phao-lô cũng được tha thứ, dù ông cảm thấy mình là kẻ tội lỗi nhất trên đời (1 Ti-mô-thê 1:15, 16). Ngay cả những người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất chịu trách nhiệm giết Đấng Mê-si cũng được Đức Chúa Trời tha thứ khi họ thay đổi đường lối.—Công vụ 3:15, 19.
“Nếu xưng tội với linh mục hoặc mục sư, tôi sẽ được tha tội”.
Ngày nay, đối với người phạm tội cùng Đức Chúa Trời thì không người nào có thẩm quyền để tha tội cho người đó. Dù thú tội với người khác có thể giúp người phạm tội thay đổi, nhưng chỉ Đức Chúa Trời mới có thể tha tội.—Ê-phê-sô 4:32; 1 Giăng 1:7, 9.
Nếu vậy thì Chúa Giê-su có ý gì khi ngài nói với các sứ đồ: “Nếu anh em tha tội cho ai thì tội ấy đã được tha; còn nếu anh em không tha tội cho người nào thì tội ấy chưa được tha”? (Giăng 20:23). Ngài đang nói về một quyền hành mà ngài chỉ giao cho các sứ đồ khi họ nhận được thần khí.—Giăng 20:22.
Như được hứa, các sứ đồ nhận được món quà này khi thần khí đổ xuống vào năm 33 công nguyên (Công vụ 2:1-4). Sứ đồ Phi-e-rơ dùng quyền này để kết án hai môn đồ A-na-nia và Sa-phi-ra. Đức Chúa Trời đã cho Phi-e-rơ biết được kế hoạch gian dối của họ, và lời kết án của ông cho thấy rằng tội của họ sẽ không được tha.—Công vụ 5:1-11.
Món quà diệu kỳ đó của thần khí, cũng như những món quà khác như khả năng chữa bệnh và nói các ngôn ngữ, không còn nữa sau khi các sứ đồ qua đời (1 Cô-rinh-tô 13:8-10). Vì vậy, không người nào ngày nay có thể tha tội cho người khác.