Tín đồ đạo Đấng Ki-tô có phải giữ ngày Sa-bát không?
Kinh Thánh giải đáp
Tín đồ đạo Đấng Ki-tô không buộc phải giữ ngày Sa-bát hàng tuần. Họ ở dưới “Luật pháp của Đấng Ki-tô”, trong đó không có luật ngày Sa-bát (Ga-la-ti 6:2; Cô-lô-se 2:16, 17). Làm sao chúng ta biết chắc điều này? Trước tiên, hãy xem nguồn gốc ngày Sa-bát.
Ngày Sa-bát là gì?
Từ “Sa-bát” đến từ chữ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “nghỉ ngơi, ngừng”. Lần đầu tiên từ này xuất hiện trong Kinh Thánh là nơi các điều răn được ban cho nước Y-sơ-ra-ên xưa (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:23). Chẳng hạn, điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn nói: “Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-10, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Ngày Sa-bát được tính từ lúc mặt trời lặn ngày thứ sáu đến lúc mặt trời lặn ngày thứ bảy. Trong khoảng thời gian đó, người Y-sơ-ra-ên không được phép ra khỏi nhà, nổi lửa, lượm củi hoặc khiêng gánh (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:29; 35:3; Dân-số Ký 15:32-36; Giê-rê-mi 17:21). Người vi phạm ngày Sa-bát sẽ bị xử tử.
Một số ngày khác trong lịch Do Thái, cũng như năm thứ bảy và năm thứ 50, đều được gọi là Sa-bát. Vào các năm Sa-bát, đất sẽ được nghỉ và dân Y-sơ-ra-ên không phải trả nợ.—Lê-vi Ký 16:29-31; 23:6, 7, 32; 25:4, 11-14; Phục-truyền Luật-lệ Ký 15:1-3.
Tại sao luật ngày Sa-bát không áp dụng cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô?
Luật về ngày Sa-bát chỉ áp dụng đối với những người ở dưới Luật pháp Môi-se (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:2, 3; Ê-xê-chi-ên 20:10-12). Đức Chúa Trời không bao giờ đòi hỏi những người khác phải giữ ngày Sa-bát. Hơn nữa, nhờ giá chuộc của Chúa Giê-su Ki-tô nên chính người Do Thái cũng “không còn bị Luật pháp [Môi-se] ràng buộc”, kể cả Mười Điều Răn (Rô-ma 7:6, 7; 10:4; Ga-la-ti 3:24, 25; Ê-phê-sô 2:15). Thay vì bám chặt vào Luật pháp Môi-se, tín đồ đạo Đấng Ki-tô làm theo bộ luật ưu việt hơn, là luật pháp về tình yêu thương.—Rô-ma 13:9, 10; Hê-bơ-rơ 8:13.
Quan điểm sai về ngày Sa-bát
Quan điểm sai: Đức Chúa Trời thiết lập ngày Sa-bát khi ngài nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy.
Sự thật: Kinh Thánh nói: “Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công-việc đã dựng nên và đã làm xong rồi” (Sáng-thế Ký 2:3). Câu Kinh Thánh này không chứa đựng luật pháp dành cho loài người, mà chỉ mô tả điều Đức Chúa Trời làm vào ngày sáng tạo thứ bảy. Kinh Thánh không nhắc đến bất kỳ người nào giữ ngày Sa-bát trước thời Môi-se.
Quan điểm sai: Dân Do Thái giữ ngày Sa-bát trước khi nhận được Luật pháp Môi-se.
Sự thật: Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên rằng: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta có lập giao-ước cùng chúng ta tại Hô-rếp”, khu vực quanh núi Si-na-i. Giao ước này bao gồm luật ngày Sa-bát (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:2, 12). Trải nghiệm của dân Y-sơ-ra-ên về ngày Sa-bát cho thấy luật này là mới mẻ đối với họ. Nếu dân Y-sơ-ra-ên từng giữ ngày Sa-bát từ trước, tức là cả thời gian họ còn ở Ai-cập, thì làm sao ngày này có thể nhắc nhở họ về việc được giải cứu khỏi Ai Cập, như Đức Giê-hô-va đã tuyên bố? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:15). Tại sao họ phải được căn dặn là không nhặt ma-na vào ngày thứ bảy? (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:25-30). Và tại sao họ không biết cách xử lý trường hợp đầu tiên vi phạm luật ngày Sa-bát được ghi lại trong Kinh Thánh?—Dân-số Ký 15:32-36.
Quan điểm sai: Luật ngày Sa-bát là giao ước đời đời và vì thế vẫn còn hiệu lực.
Sự thật: Một số bản dịch Kinh Thánh nói ngày Sa-bát là “giao ước đời đời” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:16). Tuy nhiên, trong tiếng Hê-bơ-rơ, từ được dịch là “đời đời” cũng có nghĩa là “kéo dài đến tương lai bất định”, chứ không nhất thiết là mãi mãi. Chẳng hạn, Kinh Thánh cũng dùng từ này để miêu tả chức tế lễ trong dân Y-sơ-ra-ên nhưng Đức Chúa Trời đã chấm dứt nó khoảng 2.000 năm trước.—Xuất Ê-díp-tô Ký 40:15; Hê-bơ-rơ 7:11, 12.
Quan điểm sai: Tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải giữ ngày Sa-bát vì Chúa Giê-su đã giữ ngày đó.
Sự thật: Chúa Giê-su giữ ngày Sa-bát vì ngài là người Do Thái, từ lúc sinh ra đã buộc phải tuân theo Luật pháp Môi-se (Ga-la-ti 4:4). Sau khi Chúa Giê-su chết thì giao ước Luật pháp này, trong đó có cả luật ngày Sa-bát, đều hết hiệu lực.—Cô-lô-se 2:13, 14.
Quan điểm sai: Sứ đồ Phao-lô giữ ngày Sa-bát khi ông là tín đồ đạo Đấng Ki-tô.
Sự thật: Phao-lô vào nhà hội trong ngày Sa-bát, nhưng không phải để giữ lễ với người Do Thái (Công vụ 13:14; 17:1-3; 18:4). Thay vì thế, theo thường lệ vào thời đó, ông giảng tin mừng trong các nhà hội, vì một người thuyết giáo đến thăm có thể được mời giảng cho những người đến thờ phượng nghe (Công vụ 13:15, 32). Phao-lô rao giảng “hằng ngày”, chứ không chỉ riêng ngày Sa-bát.—Công vụ 17:17.
Quan điểm sai: Ngày Sa-bát của tín đồ đạo Đấng Ki-tô là vào chủ nhật.
Sự thật: Kinh Thánh không ra lệnh cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải dành ngày chủ nhật, ngày đầu tiên trong tuần, để nghỉ ngơi và thờ phượng. Với các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu, chủ nhật là ngày làm việc như bao ngày khác. Bách khoa từ điển Kinh Thánh tiêu chuẩn quốc tế (The International Standard Bible Encyclopedia) cho biết: “Đến tận thế kỷ thứ tư thì ngày chủ nhật mới bắt đầu mang tính chất của ngày Sa-bát, khi Constantine [hoàng đế La Mã ngoại giáo] ra lệnh không được làm một số công việc cụ thể vào ngày chủ nhật”. a
Nhưng nói sao về những đoạn Kinh Thánh dường như cho thấy chủ nhật là ngày đặc biệt? Kinh Thánh cho thấy sứ đồ Phao-lô đã ăn chung với các anh em đồng đạo “vào ngày đầu tuần”, tức là chủ nhật, nhưng điều này không có gì lạ vì hôm sau Phao-lô phải lên đường (Công vụ 20:7). Tương tự thế, vài hội thánh được khuyên dành riêng một khoản tiền cho việc cứu trợ “vào ngày đầu tuần”, tức là chủ nhật, nhưng đây chỉ là một gợi ý thực tế để lập kế hoạch chi tiêu cá nhân. Mọi người vẫn giữ tiền đóng góp ở nhà, chứ không phải nộp tại nơi nhóm họp.—1 Cô-rinh-tô 16:1, 2.
Quan điểm sai: Mỗi tuần dành một ngày để nghỉ ngơi và thờ phượng là sai.
Sự thật: Theo Kinh Thánh, mỗi tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên tự quyết định điều này.—Rô-ma 14:5.
a Cũng xem Tân bách khoa từ điển Công giáo (New Catholic Encyclopedia), ấn bản lần hai, tập 13, trang 608.