Thế nào là “người Sa-ma-ri nhân lành”?
Câu trả lời của Kinh Thánh
Cụm từ “người Sa-ma-ri nhân lành” thường được dùng nói về một người hành động để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. Cụm từ này bắt nguồn từ một câu chuyện, hay ngụ ngôn, mà Chúa Giê-su kể để cho thấy một người lân cận tốt là người thể hiện lòng thương xót và giúp đỡ người khác, bất kể họ thuộc quốc gia hay gốc gác nào.
Trong bài này
Ngụ ngôn “người Sa-ma-ri nhân lành” là gì?
Câu chuyện mà Chúa Giê-su kể được tóm lược như sau: Một người Do Thái đi từ Giê-ru-sa-lem đến Giê-ri-cô. Trên đường đi, ông bị cướp, đánh đập và bỏ mặc cho dở sống dở chết.
Một thầy tế lễ Do Thái và sau đó là một nhà lãnh đạo khác người Do Thái đi ngang qua chỗ người bị nạn. Dù họ cùng quốc gia nhưng không ai trong số họ dừng lại để giúp người ấy.
Cuối cùng, một người đàn ông thuộc nước khác cũng đi ngang qua. Ông là người Sa-ma-ri (Lu-ca 10:33; 17:16-18). Động lòng thương cảm, người Sa-ma-ri đã băng bó vết thương cho người bị nạn. Rồi ông đưa người ấy đến quán trọ và chăm sóc qua đêm. Hôm sau, ông trả tiền cho chủ quán trọ để chăm sóc người ấy và đề nghị sẽ trả thêm chi phí nếu phát sinh.—Lu-ca 10:30-35.
Tại sao Chúa Giê-su kể ngụ ngôn này?
Chúa Giê-su kể câu chuyện này cho một người nghĩ rằng chỉ những ai cùng chủng tộc và tôn giáo mới là người lân cận của mình. Chúa Giê-su muốn dạy người ấy một bài học quan trọng, đó là người ấy cần hiểu rằng “người lân cận” không chỉ là người Do Thái đồng hương (Lu-ca 10:36, 37). Lời tường thuật này được ghi lại trong Kinh Thánh để mang lại lợi ích cho tất cả những ai muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời.—2 Ti-mô-thê 3:16, 17.
Ngụ ngôn này dạy bài học gì?
Câu chuyện đó dạy rằng một người lân cận tốt sẽ thể hiện lòng trắc ẩn qua hành động. Người ấy đáp ứng nhu cầu của người đang gặp khốn khổ, cho dù người kia có gốc gác, chủng tộc hay quốc gia nào. Một người lân cận chân thật sẽ đối xử với người khác theo cách mà mình muốn được đối xử.—Ma-thi-ơ 7:12.
Những người Sa-ma-ri là ai?
Người Sa-ma-ri sống ở một vùng thuộc phía bắc của Giu-đê. Người Sa-ma-ri bao gồm con cháu của những cặp vợ chồng mà một trong hai người không phải là người Do Thái.
Đến thế kỷ thứ nhất công nguyên, người Sa-ma-ri lập tôn giáo riêng. Họ chấp nhận năm sách đầu của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ nhưng thường bác bỏ những phần còn lại.
Nhiều người Do Thái vào thời Chúa Giê-su khinh miệt người Sa-ma-ri và tránh giao thiệp với họ (Giăng 4:9). Một số người Do Thái dùng cụm từ “người Sa-ma-ri” như là cách sỉ nhục.—Giăng 8:48.
Câu chuyện “người Sa-ma-ri nhân lành” có thật không?
Kinh Thánh không cho biết ngụ ngôn về người Sa-ma-ri có dựa trên sự kiện có thật hay không. Tuy nhiên, Chúa Giê-su thường dùng phong tục và địa điểm quen thuộc khi dạy dỗ, nhờ thế người nghe dễ hiểu điểm mà ngài đang nói đến.
Nhiều chi tiết trong bối cảnh của câu chuyện chính xác về mặt lịch sử. Chẳng hạn:
Con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô dài hơn 20km và có độ cao chênh lệch là 1.000m. Lời tường thuật cho biết chính xác là những ai đi đến Giê-ri-cô thì “đi từ Giê-ru-sa-lem xuống”.—Lu-ca 10:30.
Thầy tế lễ và người Lê-vi sống ở Giê-ri-cô thường đi lên Giê-ru-sa-lem theo con đường này.
Những kẻ cướp thường núp dọc theo con đường vắng vẻ đó, rình rập những người đi đường mất cảnh giác, nhất là những ai đi một mình.