Làm sao để sống với mức chi tiêu thấp hơn?
Bạn có buộc phải cắt giảm chi tiêu vì sự khủng hoảng về kinh tế ảnh hưởng đến công ăn việc làm của bạn không? Đại dịch, thảm họa thiên nhiên, bất ổn chính trị và xung đột vũ trang có thể nhanh chóng làm suy thoái kinh tế. Việc thu nhập giảm đột ngột có thể gây ra căng thẳng, nhưng những bí quyết sau đây dựa trên sự khôn ngoan trong Kinh Thánh có thể giúp bạn sống với mức chi tiêu thấp hơn.
1. Chấp nhận hoàn cảnh mới.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Tôi học bí quyết để thỏa lòng... khi dư dật lẫn khi không có gì”.—Phi-líp 4:12.
Dù có ít tiền hơn trước đây, bạn vẫn có thể học cách thích ứng với hoàn cảnh mới. Càng sớm chấp nhận thực tế và điều chỉnh thì bạn và gia đình càng dễ đối phó hơn.
Hãy tìm hiểu về chương trình trợ giúp của chính phủ hoặc các tổ chức nhân đạo có thể có ở nơi mình sống. Hãy nhanh chóng làm những gì cần thiết để được trợ giúp vì những chương trình như thế thường chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định.
2. Cả nhà chung sức đồng lòng.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Đâu không có bàn bạc, đó kế hoạch thất bại; đâu có nhiều cố vấn, đó có được thành công”.—Châm ngôn 15:22.
Hãy thảo luận về tình hình tài chính với bạn đời và các con. Khi cởi mở trò chuyện, bạn có thể giúp mọi người trong nhà hiểu và ủng hộ những thay đổi cần thiết. Khi cùng chung sức đồng lòng để tiết kiệm và tránh lãng phí, cả nhà sẽ làm được nhiều việc hơn trong mức chi tiêu hiện tại.
3. Lập ngân sách chi tiêu.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Ngồi xuống tính phí tổn”.—Lu-ca 14:28.
Hơn bao giờ hết, khi phải sống với mức chi tiêu thấp hơn, bạn cần biết tất cả những khoản chi tiêu của mình. Hãy lập ngân sách. Đầu tiên ghi ra thu nhập ước tính hằng tháng trong hoàn cảnh hiện nay. Tiếp theo, liệt kê những khoản chi phí hằng tháng và thói quen chi tiêu của bạn, dù biết những điều này hẳn sẽ thay đổi. Cố gắng dành ra một khoản trong ngân sách cho những chi phí bất ngờ hoặc trường hợp khẩn cấp.
Mẹo: Khi theo dõi các khoản chi tiêu, đừng quên ghi lại những chi phí lặt vặt. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy chi phí ấy qua thời gian cộng lại sẽ là một khoản lớn. Chẳng hạn, sau khi theo dõi các khoản chi tiêu, một người đàn ông nhận ra mình đã tốn đến vài trăm đô-la cho kẹo cao su!
4. Xác định những khoản chi tiêu quan trọng và điều chỉnh.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Nhận biết những điều quan trọng hơn”.—Phi-líp 1:10.
So sánh khoản thu và khoản chi của bạn, rồi xác định những khoản bạn có thể cắt hoặc giảm để có thể chi tiêu trong mức thu nhập hiện tại. Hãy xem những lĩnh vực sau:
Đi lại. Nếu có hơn một xe, bạn có thể bán bớt một chiếc không? Nếu sở hữu xe hạng sang, bạn có thể bán đi và mua xe vừa có giá hợp lý vừa có hiệu quả kinh tế cao không? Bạn có thể dùng phương tiện công cộng hoặc đi xe đạp mà không cần đến xe không?
Giải trí. Bạn có thể hủy các gói chương trình truyền hình cáp, trực tuyến hoặc vệ tinh, ít nhất trong một thời gian không? Bạn có thể tìm những cách giải trí rẻ hơn không?
Điện nước. Thảo luận với gia đình cách tiết kiệm điện, nước và nhiên liệu. Việc tắt đèn và tắm nhanh hơn có vẻ như không đáng kể nhưng thói quen như thế có thể giúp tiết kiệm.
Thực phẩm. Hạn chế ra ngoài ăn. Thay vì thế, hãy nấu ở nhà. Hãy hoạch định các bữa ăn, mua và nấu với số lượng lớn khi có thể, và dùng lại thức ăn còn dư. Hãy lên danh sách những thứ cần mua để không mua ngẫu hứng. Hãy mua những thực phẩm tươi đúng mùa, vì chúng thường rẻ hơn. Tránh mua những loại thức ăn không bổ dưỡng. Một cách khác là bạn có thể tự trồng rau.
Quần áo. Chỉ mua quần áo khi đồ thật sự cũ, chứ không chạy theo mốt. Hãy tìm mua quần áo giảm giá cuối mùa ở các cửa hàng hoặc quần áo vẫn còn tốt tại các tiệm bán đồ si. Hãy phơi đồ khi thời tiết và hoàn cảnh thuận lợi, nhờ thế sẽ giảm được chi phí dùng máy sấy.
Dự định mua sắm. Trước khi mua thứ gì đó, hãy tự hỏi: “Mình có khả năng mua không? Mình có thật sự cần nó không?”. Bạn có thể hoãn lại việc đổi mới thiết bị điện tử, xe hoặc đồ gia dụng không? Mặt khác, bạn có thể bán bớt những thứ mình không cần hoặc không dùng nữa không? Làm thế sẽ giúp bạn đơn giản hóa đời sống và có thêm ngân quỹ.
Mẹo: Khi thu nhập giảm đột ngột, có thể bạn sẽ có thêm động lực để từ bỏ những thói quen gây hại và tốn kém như hút thuốc, chơi cờ bạc hoặc lạm dụng rượu bia. Thực hiện những thay đổi đó không chỉ giúp kinh tế khá hơn mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.
5. Chú ý đến nhu cầu tâm linh.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hạnh phúc cho những người ý thức về nhu cầu tâm linh của mình”.—Ma-thi-ơ 5:3.
Kinh Thánh cho biết quan điểm thăng bằng sau: “Sự khôn ngoan là nguồn che chở cũng như tiền bạc là nguồn che chở vậy, nhưng lợi thế của tri thức là: Sự khôn ngoan bảo toàn mạng sống của người có nó” (Truyền đạo 7:12). Sự khôn ngoan như thế nằm trong Kinh Thánh, và nhiều người nhận thấy việc áp dụng lời khuyên của sách này giúp họ tránh được những lo lắng thái quá về vấn đề kinh tế.—Ma-thi-ơ 6:31, 32.