Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khảo cổ học có xác nhận Kinh Thánh không?

Khảo cổ học có xác nhận Kinh Thánh không?

Khảo cổ học có xác nhận Kinh Thánh không?

Đối với học viên Kinh Thánh, ngành khảo cổ rất hữu ích, vì những phát hiện của nó thường bổ sung sự hiểu biết của họ về đời sống, hoàn cảnh sống, phong tục và các ngôn ngữ của thời Kinh Thánh. Khảo cổ học cũng cung cấp thông tin hữu ích về sự ứng nghiệm của các lời tiên tri trong Kinh Thánh, chẳng hạn như những lời báo trước về sự sụp đổ của thành Ba-by-lôn, Ni-ni-ve và Ty-rơ thời xưa (Giê-rê-mi 51:37; Ê-xê-chi-ên 26:4, 12; Sô-phô-ni 2:13-15). Tuy nhiên, khoa học cũng có giới hạn. Các cổ vật tìm thấy phải được giải thích, và cách giải thích của con người có thể sai lầm và phải sửa đổi.

Đức tin của tín đồ Đấng Christ không tùy thuộc vào những chiếc bình bể, viên gạch mủn hay bức tường đổ nát, nhưng tùy thuộc vào toàn bộ lẽ thật hòa hợp được tìm thấy trong Kinh Thánh (2 Cô-rinh-tô 5:7; Hê-bơ-rơ 11:1). Chắc chắn, nội dung hòa hợp, tính thẳng thắn, các lời tiên tri được ứng nghiệm và nhiều đặc điểm khác của Kinh Thánh đưa ra bằng chứng đầy sức thuyết phục là “cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn” (2 Ti-mô-thê 3:16). Tuy nhiên, hãy xem một số phát hiện đáng chú ý của khảo cổ học chứng minh các lời tường thuật của Kinh Thánh.

Một đội các nhà khảo cổ khai quật ở Giê-ru-sa-lem vào năm 1970, đã phát hiện một tàn tích bị cháy sém. Đội trưởng Nahman Avigad viết: “Hình ảnh đó rất rõ ràng đối với bất cứ cặp mắt lành nghề nào. Tòa nhà đã bị thiêu hủy; tường và trần nhà đã sụp đổ”. Trong một phòng có xương [1] của một cánh tay, với những ngón xòe ra, vươn tới một bậc thềm.

Trên sàn rải rác những đồng tiền [2], đồng tiền mới nhất trong số đó có niên đại là năm thứ tư cuộc nổi loạn của người Do Thái chống lại La Mã—năm 69 CN. Đồ vật văng ra khắp nơi trước khi tòa nhà sụp đổ. Ông Avigad nói: “Thấy cảnh tượng này, chúng tôi nhớ lại lời miêu tả của Josephus về các lính La Mã cướp phá nhà cửa khi thành bị xâm chiếm”. Các sử gia xác định niên đại thành Giê-ru-sa-lem bị quân La Mã cướp phá là vào năm 70 CN.

Việc phân tích xác định xương tay đó là của một phụ nữ ngoài 20 tuổi. Tạp chí Biblical Archaeology Review nói: “Bị kẹt trong đám lửa khi quân La Mã tấn công, một phụ nữ trẻ đang ở trong bếp của ‘Ngôi nhà cháy’ (Burnt House) đã ngã xuống đất và vươn tới một bậc thêm gần cửa trước khi chết. Lửa đã lan ra nhanh chóng. . . cô ấy không kịp chạy thoát nên bị chôn dưới đống đổ nát”.

Cảnh này khiến chúng ta nhớ đến lời Chúa Giê-su tiên tri về Giê-ru-sa-lem 40 năm trước đó: “Quân nghịch. . . sẽ hủy hết thảy, mầy và con-cái ở giữa mầy nữa. Không để cho mầy hòn đá nầy trên hòn đá kia”.—Lu-ca 19:43, 44.

Những phát hiện của khảo cổ học chứng thực lời Kinh Thánh, kể cả tên của những người được nói đến trong đó. Một số phát hiện này bác bỏ những lời tuyên bố trước đó của các nhà phê bình là những người viết Kinh Thánh đã bịa đặt một số nhân vật hoặc phóng đại danh tiếng của họ.

Bia khắc những tên trong Kinh Thánh

Có một thời, các nhà học giả lỗi lạc cho rằng vua Sa-gôn II của A-si-ri mà Kinh Thánh nói đến nơi Ê-sai 20:1, không có thật. Tuy nhiên, vào năm 1843, gần Khorsabad, I-rắc ngày nay, trên một nhánh sông Tigris, người ta phát hiện cung điện của Sa-gôn [3] . Cung điện này trải ra trên khoảng 10ha. Giờ đây, Sa-gôn II không còn là một danh ít được người đời biết đến, mà là một trong những vị vua nổi tiếng nhất của A-si-ri. Trong một biên niên sử [4], ông ghi là mình đã chiếm được thành Sa-ma-ri của dân Y-sơ-ra-ên. Theo niên đại học Kinh Thánh, Sa-ma-ri bị quân A-si-ri xâm chiếm vào năm 740 TCN. Sa-gôn cũng ghi lại việc chiếm thành Ách-đốt, một bằng chứng cho thấy sự chính xác của Ê-sai 20:1.

Trong lúc khai quật tàn tích thành Ba-by-lôn cổ xưa, ở I-rắc ngày nay, các nhà khảo cổ đã phát hiện khoảng 300 bảng chữ hình nêm gần cổng Ishtar. Liên quan đến thời kỳ vua Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-by-lôn trị vì, những bảng này có khắc một danh sách các tên, trong đó có ghi “Yaukin, vua xứ Yahud”. Người này là vua Giê-hô-gia-kin của xứ Giu-đa, đã bị bắt và đưa đến Ba-by-lôn khi Nê-bu-cát-nết-sa chinh phục Giê-ru-sa-lem lần đầu vào năm 617 TCN (2 Các Vua 24:11-15). Các bảng này cũng nói đến năm con trai của Giê-hô-gia-kin.—1 Sử-ký 3:17, 18.

Vào năm 2005, khi đang khai quật nơi mà họ hy vọng tìm được cung điện vua Đa-vít, các nhà khảo cổ phát hiện một công trình kiến trúc to lớn bằng đá. Họ cho rằng công trình này đã bị phá hủy khi quân Ba-by-lôn san bằng thành Giê-ru-sa-lem hơn 2.600 năm trước đây, vào thời Giê-rê-mi, nhà tiên tri của Đức Chúa Trời. Công trình đó có phải là tàn tích của cung điện Đa-vít hay không thì chưa chắc chắn. Tuy nhiên, nhà khảo cổ Eilat Mazar đã xác định một vật đặc biệt đáng chú ý—dấu in trên đất sét [5] rộng 1cm có hàng chữ: “Của Yehuchal, con trai Shelemiyahu, cháu Shovi”. Dấu in này hẳn được đóng bằng con dấu của Yehuchal (cũng gọi Giê-hu-can hay Giu-can), là một quan chức Do Thái mà Kinh Thánh nói đã chống Giê-rê-mi.—Giê-rê-mi 37:3; 38:1-6.

Theo ông Mazar, Giê-hu-can là “đại thần thứ hai” sau Ghê-ma-ria, con Sa-phan, có tên trong một dấu in được tìm thấy ở thành Đa-vít. Kinh Thánh cho biết Giê-hu-can, con Sê-lê-mia (Shelemiyahu), là một quan trưởng của Giu-đa. Trước khi dấu in đề cập ở đoạn trên được phát hiện, ông là nhân vật chỉ được đề cập trong Kinh Thánh.

Họ có biết đọc, biết viết không?

Kinh Thánh cho thấy dân Y-sơ-ra-ên xưa là dân biết đọc, biết viết (Dân-số Ký 5:23; Giô-suê 24:26; Ê-sai 10:19). Nhưng các nhà phê bình không nghĩ như vậy, họ lập luận rằng lịch sử Kinh Thánh phần lớn được lưu truyền theo cách không đáng tin cậy là truyền miệng từ đời này sang đời khác. Năm 2005, thuyết này bị đánh đổ khi các nhà khảo cổ làm việc ở Tel Zayit, nằm giữa Giê-ru-sa-lem và vùng Địa Trung Hải, tìm thấy bảng chữ cái cổ xưa, có lẽ bảng chữ cái Hê-bơ-rơ [6] xưa nhất được phát hiện, chạm khắc trên một miếng đá vôi.

Theo một số học giả, phát hiện này được xác định có niên đại thế kỷ thứ mười TCN, cho thấy “sự đào tạo chính qui về ghi chép”, “một nền văn hóa phức tạp” và “một hệ thống quan chức phát triển nhanh chóng trong dân Y-sơ-ra-ên ở Giê-ru-sa-lem”. Vậy, trái với lập luận của các nhà phê bình, dường như ít nhất vào thế kỷ thứ mười TCN, dân Y-sơ-ra-ên đã là dân biết đọc biết viết và có khả năng ghi chép lịch sử.

Tài liệu của người A-si-ri đưa ra thêm bằng chứng

Từng là một đế quốc hùng mạnh, nước A-si-ri thường được nói đến trong Kinh Thánh, và nhiều phát hiện khảo cổ học ở đó chứng minh tính chính xác của Kinh Thánh. Chẳng hạn, trong một cuộc khai quật ở địa điểm của thành Ni-ni-ve xưa, kinh đô nước A-si-ri, người ta phát hiện một phiến đá điêu khắc [7] trong cung điện của vua San-chê-ríp. Trên đó có chạm cảnh binh lính A-si-ri dẫn dân phu tù Do Thái đi lưu đày sau sự sụp đổ của thành La-ki vào năm 732 TCN. Bạn có thể đọc lời tường thuật này trong Kinh Thánh nơi sách 2 Các Vua 18:13-15.

Biên niên sử của San-chê-ríp [8], tìm thấy ở Ni-ni-ve, miêu tả chiến dịch quân sự của San-chê-ríp trong triều đại vua Ê-xê-chia của Giu-đa, là người được nêu tên trong biên niên sử này. Tài liệu bằng chữ hình nêm của các nhà cai trị khác nói đến các vua Giu-đa: A-cha và Ma-na-se, cũng như các vua Y-sơ-ra-ên: Ôm-ri, Giê-hu, Giô-ách, Mê-na-hem và Ô-sê.

Trong lời tường thuật, San-chê-ríp khoe khoang về những thắng lợi quân sự, nhưng một điểm có ý nghĩa đặc biệt là ông không hề nói đến việc chiếm thành Giê-ru-sa-lem. Điểm nổi bật này càng làm tăng tính đáng tin cậy của Kinh Thánh vì sách này nói vua San-chê-ríp không hề vây hãm Giê-ru-sa-lem nhưng đã bị Đức Chúa Trời làm cho bại trận. Sau sự thất bại nhục nhã, San-chê-ríp trở về Ni-ni-ve; và Kinh Thánh nói, ông bị các con trai ám sát (Ê-sai 37:33-38). Điều đáng chú ý là hai câu khắc trên bia của người A-si-ri chứng thực cuộc ám sát này.

Vì sự gian ác của dân Ni-ni-ve, hai nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va là Na-hum và Sô-phô-ni báo trước sự hủy diệt của thành đó (Na-hum 1:1; 2:8–3:19; Sô-phô-ni 2:13-15). Lời tiên tri của họ đã ứng nghiệm khi lực lượng phối hợp của Nabopolassar, vua Ba-by-lôn, và Cyaxares, vua Mê-đi vây hãm và chiếm lấy Ni-ni-ve vào năm 632 TCN. Sự phát hiện và khai quật tàn tích của thành này cũng xác nhận lời tường thuật của Kinh Thánh.

Khoảng giữa năm 1925 và 1931, khi khai quật Nuzi, một thành cổ phía đông sông Tigris và đông nam Ni-ni-ve, người ta phát hiện nhiều cổ vật, trong đó có khoảng 20.000 bảng bằng đất sét. Những bảng này viết bằng ngôn ngữ Ba-by-lôn, chứa đựng rất nhiều chi tiết về phong tục có tính pháp lý tương tự thời kỳ các tộc trưởng được nói đến trong Sáng-thế Ký. Chẳng hạn, bảng chữ cho thấy rằng các tượng thần của gia đình, thường là những tượng nhỏ bằng đất sét, là một hình thức chứng thư cho một người quyền đòi hưởng di sản. Phong tục này có thể giải thích lý do tại sao Ra-chên, vợ của tộc trưởng Gia-cốp, lấy “các pho tượng thờ” của cha là La-ban, khi gia đình Gia-cốp dọn đi. Không lạ gì, La-ban cố tìm lại các pho tượng đó.—Sáng-thế Ký 31:14-16, 19, 25-35.

Lời tiên tri của Ê-sai và Trụ đá Si-ru

Chữ khắc hình nêm trên trụ cổ bằng đất sét trong hình xác nhận một lời tường thuật khác của Kinh Thánh. Được gọi là Trụ đá Si-ru [9], tài liệu này được tìm thấy ở địa điểm của thành Sippar cổ trên sông Ơ-phơ-rát, cách Baghdad khoảng 32km. Tài liệu này viết về cuộc chinh phục Ba-by-lôn của Si-ru Đại đế, người thành lập Đế quốc Phe-rơ-sơ. Điều đáng kinh ngạc là, trước đó khoảng 200 năm, qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va nói về một người cai trị Mê-đi và Phe-rơ-sơ có tên là Si-ru: “Nó là người chăn chiên của ta; nó sẽ làm nên mọi sự ta đẹp lòng; lại cũng phán về Giê-ru-sa-lem rằng: Nó sẽ được lập lại”.—Ê-sai 13:1, 17-19; 44:26–45:3.

Điểm có ý nghĩa đặc biệt là trụ đá này nói đến chính sách của Si-ru—khác hẳn những người chiến thắng khác vào thời xưa—đó là thả những người đã bị cường quốc trước bắt làm phu tù để họ trở về xứ sở. Lịch sử Kinh Thánh và thế tục chứng nhận Si-ru đã thả dân Do Thái và sau đó họ xây lại Giê-ru-sa-lem.—2  Sử-ký 36:23; E-xơ-ra 1:1-4.

Mặc dù là ngành khoa học tương đối mới, khảo cổ học Kinh Thánh đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng, cung cấp một số thông tin hữu ích. Như chúng ta đã thấy, nhiều phát hiện chứng nhận tính xác thực và chính xác của Kinh Thánh, đôi khi bao gồm cả chi tiết nhỏ nhất.

ĐỂ TÌM HIỂU THÊM

Kinh Thánh có thể giúp bạn có đời sống hạnh phúc và ý nghĩa không? Đĩa DVD dài hai tiếng có tựa The Bible—A Book of Fact and Prophecy (Kinh ThánhSách ghi lại sự kiện có thật và lời tiên tri) trình bày đề tài quan trọng này và những cuộc phỏng vấn đầy sức thuyết phục.—Có trong 32 thứ tiếng.

Lời Đức Chúa Trời hay lời loài người?

Bạn có cần thêm bằng chứng là Kinh Thánh không chứa đựng điều mâu thuẫn và hoang đường không? Những phép lạ miêu tả trong Kinh Thánh có thật không? Hãy xem xét các sự kiện trong cuốn sách dày 192 trang.—Ấn hành trong 56 thứ tiếng.

[Nguồn tư liệu]Alexander the Great: Roma, Musei Capitolini

Kinh Thánh thật sự dạy gì?

Mười chín chương trong công cụ học hỏi này bàn về tất cả những dạy dỗ quan trọng trong Kinh Thánh và giải thích ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất và loài người. —Hiện có trong 162 thứ tiếng.

Sách kể chuyện Kinh Thánh

Được biên soạn đặc biệt cho trẻ em, cuốn sách có nhiều hình đẹp này kể về 116 nhân vật và sự kiện—theo thứ tự thời gian.—Có trong 194 thứ tiếng.

[Nguồn hình ảnh nơi trang 15]

Coins: Generously Donated by Company for Reconstruction & Development of Jewish Quarter, Jerusalem Old City

[Nguồn hình ảnh nơi trang 15]

Society for Exploration of Land of Israel and its Antiquities

[Nguồn hình ảnh nơi trang 16]

3: Musée du Louvre, Paris; 4: Photograph taken by courtesy of the British Museum; 5: Gabi Laron/Institute of Archaeology/Hebrew University © Eilat Mazar

[Nguồn hình ảnh nơi trang 17]

6: AP Photo/Keith Srakocic; 7, 8: Photograph taken by courtesy of the British Museum

[Nguồn hình ảnh nơi trang 18]

Photograph taken by courtesy of the British Museum