Những lý do để tin Kinh Thánh
1. Chính xác về lịch sử
Thật khó để tin một quyển sách chứa đựng những thông tin không chính xác. Hãy tưởng tượng một quyển sách lịch sử hiện đại ghi Thế Chiến II đã xảy ra trong những năm 1800, hoặc gọi tổng thống Hoa Kỳ là vua. Những chi tiết thiếu chính xác ấy không khiến bạn nghi ngờ về tính đáng tin cậy của toàn bộ quyển sách đó sao?
Chưa từng có ai thành công trong việc chứng minh Kinh Thánh thiếu chính xác về lịch sử. Kinh Thánh nói đến các nhân vật và sự kiện có thật.
Nhân vật.
Trước đây, các nhà phê bình Kinh Thánh đã đặt nghi vấn về Quan tổng đốc La Mã Bôn-xơ Phi-lát của xứ Giu-đê, người đã cho phép đóng đinh Chúa Giê-su. Họ không chắc nhân vật này có thật (Ma-thi-ơ 27:1-26). Tuy nhiên, vào năm 1961 người ta tìm thấy một bia đá tại thành phố cảng Sê-sa-rê, vùng Địa Trung Hải. Chữ khắc trên đó cho biết Phi-lát từng là người cai trị xứ Giu-đê.
Trước năm 1993, ngoài Kinh Thánh không có bằng chứng nào cho thấy Đa-vít, một chàng chăn chiên can đảm về sau trở thành vua nước Y-sơ-ra-ên, là một nhân vật lịch sử. Tuy nhiên, vào năm đó các nhà khảo cổ học tìm thấy một bia đá bazan ở miền bắc nước Y-sơ-ra-ên, có từ thế kỷ thứ chín TCN mà các chuyên gia nói rằng trên đó có các từ “Nhà Đa-vít” và “vua Y-sơ-ra-ên”.
Sự kiện.
Cho đến những năm gần đây, nhiều học giả nghi ngờ lời tường thuật trong Kinh Thánh về việc dân Ê-đôm tranh chiến với dân Y-sơ-ra-ên trong thời Đa-vít (2 Sa-mu-ên 8:13, 14). Họ lý luận rằng, dân Ê-đôm vào lúc đó chỉ là một xã hội đơn giản sống bằng nghề chăn nuôi, và chưa được tổ chức hoặc đủ mạnh để là mối đe dọa đối với dân Y-sơ-ra-ên mãi đến nhiều năm sau. Tuy nhiên, theo một bài trong tạp chí khảo cổ về Kinh Thánh Biblical Archaeology Review, gần đây những cuộc khai quật cho thấy “nhiều thế kỷ trước [thời gian mà người ta từng nghĩ], Ê-đôm đã là một xã hội phức tạp như được trình bày trong Kinh Thánh”.
Tước vị.
Trong suốt 16 thế kỷ mà Kinh Thánh được viết ra, trên thế giới có nhiều nhà cai trị. Khi đề cập đến một nhà cai trị, Kinh Thánh luôn dùng đúng tước vị của người đó. Chẳng hạn, Kinh Thánh gọi chính xác Hê-rốt An-ti-ba là “vua chư-hầu” và Ga-li-ôn là “quan trấn-thủ” (Lu-ca 3:1; Công-vụ 18:12). E-xơ-ra 5:6 nói đến Tát-tê-nai, Quan tổng đốc của một tỉnh Phe-rơ-sơ phía “bên nầy sông”, sông Ơ-phơ-rát. Một đồng tiền được đúc vào thế kỷ thứ tư TCN có ghi một lời tương tự, cho biết Quan tổng đốc Mazaeus của Phe-rơ-sơ là người cai trị tỉnh “bên nầy sông”.
Tính chính xác của những chi tiết dường như nhỏ nhặt không phải là không quan trọng. Nếu chúng ta có thể tin cậy những người viết Kinh Thánh ngay cả trong các chi tiết nhỏ, chẳng lẽ điều đó không củng cố lòng tin của chúng ta nơi những điều khác họ viết hay sao?