Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA

Quan điểm thăng bằng về tiền bạc

Quan điểm thăng bằng về tiền bạc

Người ta thường nói: “Có tiền mua tiên cũng được”. Câu này cũng đúng phần nào. Suy cho cùng, chúng ta cần tiền để mua thực phẩm, quần áo, trả tiền thuê nhà hoặc mua nhà. Một biên tập viên tài chính đã viết: “Tiền bạc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội. Nếu không có tiền để trao đổi thì trong vòng một tháng, thế giới sẽ lâm vào tình trạng hoảng loạn và xảy ra chiến tranh”.

Dĩ nhiên, tiền bạc cũng có những giới hạn. Nhà thơ Arne Garborg người Na Uy cho biết, khi có tiền “bạn có thể mua thực phẩm nhưng không mua được sự ngon miệng; mua thuốc nhưng không mua được sức khỏe; mua chiếc giường êm ái nhưng không mua được giấc ngủ; mua sự hiểu biết nhưng không mua được sự khôn ngoan; mua hào quang nhưng không mua được sắc đẹp; mua sự huy hoàng nhưng không mua được sự ấm áp; mua thú vui nhưng không mua được niềm vui; mua người quen nhưng không mua được bạn bè; mua tôi tớ nhưng không mua được lòng trung thành”.

Khi một người có quan điểm thăng bằng về tiền bạc, xem tiền là công cụ, là phương tiện chứ không phải mục đích cuộc sống thì người ấy có thể thỏa lòng hơn. Kinh Thánh cảnh báo: “Lòng ham tiền là gốc rễ của mọi loại tai hại, vì nuôi dưỡng ham muốn đó mà một số người đã... tự gây cho mình nhiều nỗi đau”.—1 Ti-mô-thê 6:10.

Hãy nhớ rằng chính lòng ham tiền, chứ không phải tiền, gây ra tai hại. Thật vậy, chú tâm quá mức đến tiền bạc có thể gây chia rẽ bạn bè và các thành viên trong gia đình. Hãy xem vài trường hợp.

Daniel: * “Tôi luôn nghĩ anh bạn Thomas là một người vui tính và chân thật. Tôi chưa bao giờ có vấn đề gì với anh, cho đến khi anh ấy mua xe hơi của tôi. Tôi không hề biết xe mình có trục trặc gì. Dù sao, anh ấy đã đồng ý làm giấy tờ để mua chiếc xe với tình trạng vốn có của nó. Nhưng ba tháng sau xe hỏng. Anh Thomas cảm thấy bị lừa nên rất tức giận và nằng nặc đòi tôi trả lại tiền. Tôi bị sốc! Tôi cố gắng giải thích với anh, thì anh có thái độ hơn thua và hằn học. Khi ‘đụng chạm’ đến tiền bạc, anh Thomas không còn là người bạn đáng mến mà tôi từng quen biết”.

Esin: “Nesrim là em gái duy nhất của tôi và chúng tôi rất hòa thuận. Thế nên, tôi không bao giờ nghĩ rằng vì tiền bạc mà chị em tôi mất hết tình nghĩa. Nhưng thật sự điều đó đã xảy ra. Khi cha mẹ qua đời, họ để lại cho chị em tôi một gia tài nho nhỏ và cho biết ý nguyện là hai chị em được nhận hai phần bằng nhau. Em tôi không đồng ý và đòi chia phần nhiều hơn. Vì tôi muốn làm theo ý nguyện của cha mẹ, nên em ấy rất tức giận và buông lời đe dọa. Cho đến bây giờ, em ấy vẫn còn căm giận tôi”.

TIỀN BẠC VÀ THÀNH KIẾN

Quan điểm lệch lạc về tiền bạc có thể khiến người ta có khuynh hướng phán xét. Chẳng hạn, một người giàu có thể cho rằng người nghèo là những người làm biếng nên không thể tiến thân. Hoặc một người ít tiền có thể vội kết luận rằng những người nhiều tiền của là người theo đuổi vật chất hoặc tham lam. Em Leanne, một thiếu nữ sống trong gia đình tương đối khá giả, là nạn nhân của kiểu thành kiến ấy. Em kể lại:

Lời khuyên của Kinh Thánh về tiền bạc vẫn thiết thực như khi Kinh Thánh được viết ra cách đây hàng ngàn năm

“Tôi từng được biết là con nhà giàu. Vì vậy, tôi thường nghe những lời mỉa mai như: ‘Nếu muốn cái gì, bạn chỉ cần xin cha là được’, hoặc ‘Chúng tôi không giàu như bạn, không đi xe đẹp như gia đình bạn’. Cuối cùng, tôi đã đề nghị các bạn đừng nói những lời như thế, và cho họ biết những lời ấy đã làm tổn thương tôi như thế nào. Tôi muốn được biết đến là người tốt bụng, chứ không phải là người có tiền”.

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:

Kinh Thánh không lên án tiền bạc, cũng không chỉ trích những người có tiền, thậm chí có nhiều tiền. Vấn đề ở đây là không phải một người có bao nhiêu tiền mà là thái độ của người ấy đối với những gì mình có hoặc muốn có. Lời khuyên của Kinh Thánh về tiền bạc rất thăng bằng và vẫn thiết thực như khi Kinh Thánh được viết ra cách đây hàng ngàn năm. Hãy xem vài ví dụ sau đây.

KINH THÁNH NÓI: “Con chớ chịu vật-vã đặng làm giàu”.—Châm-ngôn 23:4.

Theo một sách nói về hội chứng nhân cách yêu mình thái quá (The Narcissism Epidemic), người theo đuổi sự giàu có dễ “mắc bệnh thần kinh; họ gặp phải những vấn đề sức khỏe như viêm họng, đau lưng, nhức đầu và dễ lạm dụng rượu bia hoặc dùng ma túy. Nỗ lực theo đuổi việc kiếm tiền dường như chỉ làm người ta khổ sở”.

KINH THÁNH NÓI: “Hãy giữ lối sống không ham tiền, và thỏa lòng với những gì mình hiện có”.—Hê-bơ-rơ 13:5.

Một người thỏa lòng không tránh được nỗi lo lắng về tiền bạc. Nhưng người ấy ý thức điều gì là quan trọng nhất trong đời sống nên không quá lo âu. Chẳng hạn, một người thỏa lòng sẽ không phản ứng thái quá khi mất mát tài sản. Thay vì thế, người đó cố gắng giữ thái độ giống như sứ đồ Phao-lô. Ông viết: “Tôi biết thế nào là thiếu thốn và thế nào là dư dật. Trong mọi việc và mọi hoàn cảnh, tôi học bí quyết để thỏa lòng khi no lẫn khi đói, khi có nhiều lẫn khi không có”.—Phi-líp 4:12.

KINH THÁNH NÓI: “Kẻ nào tin-cậy nơi của-cải mình sẽ bị xiêu-ngã”.—Châm-ngôn 11:28.

Các nhà nghiên cứu cho rằng vấn đề tiền bạc là một nguyên nhân thường khiến vợ chồng cãi vã rồi dẫn đến ly dị. Tiền bạc cũng là yếu tố dẫn đến việc tự tử. Đối với một số người, tiền bạc quan trọng hơn hôn nhân và thậm chí mạng sống của mình. Ngược lại, người có quan điểm thăng bằng không đặt lòng tin cậy nơi tiền bạc. Thay vì thế, họ nhận thấy sự khôn ngoan nơi lời của Chúa Giê-su: “Dù một người giàu có, của cải cũng không mang lại sự sống cho người ấy”.—Lu-ca 12:15.

BẠN CÓ QUAN ĐIỂM NÀO VỀ TIỀN BẠC?

Việc tự xem xét bản thân có thể giúp bạn ý thức rằng bạn cần có quan điểm thăng bằng về tiền bạc. Chẳng hạn, hãy tự hỏi những câu sau.

  • Mình có bị cám dỗ trước những mánh khóe làm giàu nhanh chóng không?

  • Có phải mình không được thoáng lắm trong chuyện tiền nong?

  • Mình có khuynh hướng làm bạn với những người luôn nói về tiền bạc và những thứ mà họ sở hữu không?

  • Mình có nói dối hoặc làm những chuyện phi pháp để kiếm tiền không?

  • Tiền bạc có làm mình cảm thấy mình là người quan trọng không?

  • Mình có luôn nghĩ về tiền bạc không?

  • Thái độ của mình đối với tiền bạc có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bản thân và cuộc sống gia đình không?

    Vun trồng tính rộng rãi qua việc ban cho người khác

Nếu bạn trả lời “có” cho bất cứ câu hỏi nào ở trên, hãy cố gắng loại bỏ lối suy nghĩ thiên về vật chất cũng như cám dỗ làm giàu. Tránh kết bạn với những người quá đặt nặng vấn đề tiền bạc và của cải. Nhưng hãy làm bạn với những người xem trọng các tiêu chuẩn đạo đức hơn là của cải.

Bạn đừng bao giờ để sự tham tiền bén rễ trong lòng. Thay vì vậy, hãy xem bạn bè, gia đình, cảm xúc và sức khỏe của bạn quan trọng hơn tiền bạc. Khi làm thế, bạn sẽ cho thấy mình có quan điểm thăng bằng về tiền bạc.

^ đ. 7 Các tên trong bài này đã được thay đổi.