Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Chúa Giê-su có hàm ý khinh thường khi nói minh họa về “chó con” không?

Em nhỏ và chó con, tượng Hy Lạp hoặc La Mã (thế kỷ thứ nhất trước công nguyên đến thế kỷ thứ hai công nguyên)

Lần nọ khi Chúa Giê-su ở tỉnh Sy-ri thuộc La Mã, ngoài biên giới của Y-sơ-ra-ên, một phụ nữ người Hy Lạp đến xin ngài giúp. Chúa Giê-su trả lời bằng một minh họa so sánh người không thuộc dân Do Thái với “chó con”. Dưới Luật pháp Môi-se, con chó được xem là loài vật ô uế (Lê-vi 11:27). Nhưng Chúa Giê-su có hàm ý khinh thường người phụ nữ Hy Lạp và những người không thuộc dân Do Thái không?

Hoàn toàn không. Như đã giải thích với các môn đồ, Chúa Giê-su ưu tiên giúp dân Do Thái vào thời điểm đó. Vì vậy, ngài nói với người phụ nữ Hy Lạp: “Lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con là không đúng” (Ma-thi-ơ 15:21-26; Mác 7:26). Đối với người Hy Lạp và La Mã, con chó là thú cưng trong nhà và được cho chơi với trẻ em. Cụm từ “chó con” có thể gợi lên hình ảnh gần gũi, yêu thương. Người phụ nữ Hy Lạp hiểu lời của Chúa Giê-su và đáp: “Vâng thưa Chúa, nhưng thật ra chó con cũng ăn bánh vụn rơi từ bàn của chủ”. Chúa Giê-su khen bà vì có đức tin, và chữa lành cho con gái bà.—Ma-thi-ơ 15:27, 28.

Lời Phao-lô đề nghị hoãn chuyến hải hành có hợp lý không?

Hình chạm nổi của thuyền chở hàng lớn (thế kỷ thứ nhất công nguyên)

Con thuyền chở sứ đồ Phao-lô đến Ý đã phải chống chọi với những trận gió ngược. Trong thời gian thuyền tạm dừng, Phao-lô đề nghị nên hoãn chuyến hành trình còn lại (Công vụ 27:9-12). Lời đề nghị đó có cơ sở không?

Thời xưa, các thủy thủ biết rõ việc vượt Địa Trung Hải trong những tháng mùa đông là điều mạo hiểm. Không nên ra khơi từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 3. Nhưng chuyến hải hành của Phao-lô là vào tháng 9 hoặc tháng 10. Trong sách về quân sự (Epitome of Military Science), nhà văn La Mã là ông Vegetius (thế kỷ thứ tư công nguyên) nói về việc vượt biển: “Vài tháng rất tốt, vài tháng không chắc, những tháng còn lại thì không thể”. Ông cho biết từ ngày 27 tháng 5 đến ngày 14 tháng 9 thì việc vượt biển là an toàn, nhưng hai giai đoạn từ ngày 15 tháng 9 đến ngày 11 tháng 11 và từ ngày 11 tháng 3 đến ngày 26 tháng 5 thì không chắc hoặc thậm chí nguy hiểm. Hẳn người dày dạn kinh nghiệm đi biển như Phao-lô biết rõ điều này. Rất có thể người lái và chủ con thuyền cũng biết thế, nhưng họ không nghe lời đề nghị của ông. Cuối cùng, thuyền đã bị đắm.—Công vụ 27:13-44.