Bạn có biết?
Nhà hội bắt nguồn từ đâu?
Từ “nhà hội” đến từ một từ Hy Lạp có nghĩa là “hội chúng” hoặc “việc nhóm lại”. Tên gọi này thích hợp vì đây là nơi mà từ thời xưa cộng đồng Do Thái nhóm lại để nhận chỉ dẫn và thờ phượng. Phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ không đề cập đến nhà hội, nhưng phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp cho thấy rõ những nơi nhóm lại như thế đã tồn tại trước thế kỷ thứ nhất CN.
Phần lớn các học giả đều cho rằng nhà hội bắt nguồn vào thời kỳ dân Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Bách khoa từ điển Do Thái (Encyclopaedia Judaica) lập luận: “Những người bị lưu đày không có Đền Thờ ở nơi đất khách quê người. Để nhận được sự an ủi trong những lúc đau buồn, họ thường nhóm lại, có lẽ là vào các ngày Sa-bát, và đọc Kinh Thánh”. Khi được trả tự do, dường như người Do Thái tiếp tục nhóm lại để cầu nguyện, đọc Kinh Thánh và thành lập nhà hội ở bất cứ nơi nào họ định cư.
Vì thế, đến thế kỷ thứ nhất CN, nhà hội đã trở thành trung tâm tôn giáo và đời sống xã hội của những cộng đồng Do Thái bị tản mác khắp Địa Trung Hải, Trung Đông và tại chính Y-sơ-ra-ên. Giáo sư Lee Levine của trường Đại học Do Thái ở Jerusalem nói: “[Nhà hội] là nơi dành cho việc học hỏi, dùng bữa thánh, xét xử các vụ kiện, giữ quỹ cộng đồng và diễn ra các buổi họp về chính trị và xã hội”. Ông nói thêm: “Tất nhiên, hoạt động chính yếu và quan trọng ở nơi đây là thực hành các nghi thức tôn giáo”. Thế nên không ngạc nhiên gì khi Chúa Giê-su thường đến nhà hội (Mác 1:21; 6:2; Lu 4:16). Tại đó, ngài dạy dỗ, khuyên bảo và khích lệ những người có mặt. Sau khi hội thánh đạo Đấng Ki-tô được thành lập, sứ đồ Phao-lô cũng rao giảng nhiều trong các nhà hội. Những người quan tâm đến tâm linh được thu hút đến nhà hội, vì thế khi vào một thành, Phao-lô thường đến nhà hội và rao giảng ở đó trước tiên.—Công 17:1, 2; 18:4.