Bạn có biết?
Vào thời xưa, người ta cần làm gì để có thể đi được bằng đường biển?
Vào thời của Phao-lô, nói chung không có tàu chuyên chở khách. Nếu muốn đến nơi nào đó bằng tàu, một người thường phải hỏi thăm xem có chuyến tàu chở hàng nào đi đến nơi mình muốn và sẵn sàng chở khách không (Công 21:2, 3). Ngay cả khi tàu đó không dừng lại đúng nơi mình muốn, người ấy vẫn có thể lên tàu rồi khi tàu cập bến ở một nơi trong chuyến hành trình, người ấy có thể bắt một chuyến khác để đến nơi dự định.—Công 27:1-6.
Thời bấy giờ, các chuyến tàu thường ra khơi theo mùa và không có lịch trình chính xác. Đôi khi, các thủy thủ hoãn chuyến đi không chỉ vì thời tiết xấu mà còn vì mê tín, chẳng hạn khi họ nghe tiếng quạ kêu trên những dây buồm hoặc thấy xác tàu trên bờ biển. Ngoài ra, vì muốn tận dụng hướng gió nên khi nào thấy gió thuận thì các thủy thủ sẽ ra khơi. Khi tìm được chuyến tàu, hành khách sẽ mang theo hành trang đến bến cảng và chờ thông báo khi nào chuyến tàu khởi hành.
Sử gia Lionel Casson cho biết: “Thành Rô-ma cung cấp dịch vụ thuận tiện để giúp người ta không mất nhiều công sức tìm những chuyến tàu. Cảng ở đây nằm ở cửa sông Tiber. Gần thị trấn Ostia có một quảng trường lớn, xung quanh là các cơ quan. Trong số đó có nhiều cơ quan của những nhà tàu thuộc các cảng khác nhau, chẳng hạn cơ quan của nhà tàu Narbonne [hiện nay là Pháp], cơ quan của nhà tàu Carthage [hiện nay là Tunisia]”. Nếu muốn đi tàu, một người chỉ cần đến các cơ quan để tìm những chuyến tàu đi đến nơi mình muốn.
Đi đường biển tiết kiệm thời gian nhưng cũng có rủi ro. Trong những chuyến hành trình truyền giáo của Phao-lô, ông bị đắm tàu vài lần.—2 Cô 11:25.