KINH NGHIỆM
Chúng tôi đã tìm được “viên ngọc quý giá”
Anh Winston và chị Pamela (Pam) Payne hiện đang phụng sự tại chi nhánh Úc-Á. Đời sống hạnh phúc của họ cũng có những khó khăn, trong đó có việc thích nghi với các nền văn hóa khác nhau và chịu đựng nỗi đau sẩy thai. Nhưng dù trải qua thử thách, họ vẫn giữ vững tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va và dân ngài, cũng như niềm vui trong thánh chức. Trong phần phỏng vấn này, hãy cùng nghe anh chị ấy chia sẻ một số kinh nghiệm.
Anh Winston, xin anh kể đôi điều về việc anh tìm kiếm Đức Chúa Trời.
Tôi sinh ra trong gia đình không theo đạo tại một nông trại ở Queensland, Úc. Vì sống ở nơi hẻo lánh nên tôi hầu như không tiếp xúc với ai ngoài gia đình. Từ khoảng năm 12 tuổi, tôi bắt đầu tìm kiếm Đức Chúa Trời. Tôi cầu xin ngài cho mình biết sự thật về ngài. Cuối cùng, tôi rời nông trại và chuyển đến làm việc ở Adelaide, Nam Úc. Năm 21 tuổi, tôi gặp Pam trong một kỳ nghỉ ở Sydney, và cô ấy nói với tôi về phong trào tôn giáo British Israelism. Phong trào này cho rằng người Anh là hậu duệ của những chi phái Y-sơ-ra-ên thất lạc và những chi phái đó là mười chi phái của vương quốc phía bắc bị lưu đày vào thế kỷ thứ tám TCN. Khi trở về Adelaide, tôi nêu lên đề tài này với một đồng nghiệp đang học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Chỉ sau vài tiếng nói chuyện với anh ấy, chủ yếu là về niềm tin của Nhân Chứng, tôi nhận ra Đức Chúa Trời đang đáp lại lời cầu nguyện thời thơ ấu của mình. Tôi đang được học sự thật về Đấng Tạo Hóa và Nước của ngài! Tôi đã tìm thấy “viên ngọc quý giá”.—Mat 13:45, 46.
Chị Pam, chị cũng bắt đầu tìm kiếm viên ngọc ấy từ nhỏ. Chị đã tìm thấy như thế nào?
Tôi lớn lên trong một gia đình sùng đạo tại thị trấn Coffs Harbour, New South Wales. Cha mẹ và ông bà ngoại tôi tin nơi sự dạy dỗ của phong trào British Israelism. Từ nhỏ, tôi cùng em trai, chị gái và nhiều anh em họ được dạy là Đức Chúa Trời ban ân sủng cho người gốc Anh. Nhưng tôi vẫn không tin điều đó và
không cảm thấy gần gũi với Đức Chúa Trời. Năm 14 tuổi, tôi tham dự nhiều nhà thờ của thị trấn, gồm nhà thờ Anh giáo, Báp-tít và Cơ Đốc Phục Lâm. Nhưng nhu cầu tâm linh của tôi vẫn chưa được thỏa mãn.Sau này, gia đình tôi chuyển đến Sydney, nơi tôi gặp anh Winston khi anh ấy đang đi du lịch. Như anh ấy đã nói, những cuộc thảo luận của chúng tôi về tôn giáo cuối cùng dẫn đến việc anh học Kinh Thánh với Nhân Chứng. Từ đó trở đi, những lá thư anh viết cho tôi tràn ngập các câu Kinh Thánh! Thú thật là lúc đầu tôi cảm thấy lo lắng, thậm chí tức giận. Nhưng dần dần tôi được thu hút đến với chân lý.
Năm 1962, tôi chuyển đến Adelaide để ở gần với anh Winston hơn. Anh sắp xếp cho tôi ở với vợ chồng anh Thomas và chị Janice Sloman từng làm giáo sĩ ở Papua New Guinea. Anh chị ấy rất đỗi nhân từ với tôi; lúc đó tôi mới 18 tuổi và họ giúp tôi rất nhiều về thiêng liêng. Tôi bắt đầu học Lời Đức Chúa Trời và sớm nhận ra mình đã tìm thấy chân lý. Ngay sau khi kết hôn, chúng tôi bắt đầu phụng sự trọn thời gian. Dù có những thử thách, nhưng đó là một đời sống đầy ân phước và giúp chúng tôi gia tăng lòng quý trọng viên ngọc mà mình tìm được.
Anh Winston, anh có thể chia sẻ về những năm đầu phụng sự Đức Giê-hô-va được không?
Không lâu sau khi chúng tôi kết hôn, Đức Giê-hô-va bắt đầu mở ra cho chúng tôi một trong những “cánh cửa lớn” để phụng sự ngài nhiều hơn (1 Cô 16:9). Anh Jack Porter, giám thị vòng quanh của hội thánh nhỏ chúng tôi, đã hướng chúng tôi đến cánh cửa đầu tiên. (Anh ấy hiện đang phụng sự cùng tôi với tư cách là thành viên Ủy ban Chi nhánh Úc-Á). Anh Jack và vợ anh là chị Roslyn khuyến khích chúng tôi làm tiên phong đều đều. Rồi vợ chồng tôi làm tiên phong trong 5 năm. Khi tôi 29 tuổi, tôi và Pam được mời làm công việc vòng quanh tại các đảo ở Nam Thái Bình Dương, là những nơi bấy giờ nằm dưới sự giám sát của chi nhánh Fiji. Các đảo này bao gồm Samoa thuộc Hoa Kỳ, Samoa, Kiribati, Nauru, Niue, Tokelau, Tonga, Tuvalu và Vanuatu.
Vào thời đó, người dân tại một số đảo hẻo lánh thường nghi ngờ Nhân Chứng Giê-hô-va, nên chúng tôi phải dè dặt và khéo léo (Mat 10:16). Các hội thánh thì nhỏ và tại vài nơi, anh em không có khả năng cung cấp chỗ ở cho chúng tôi. Thế nên, chúng tôi xin ở cùng với những người dân trong làng, và họ luôn đối xử tốt với chúng tôi.
Chúng tôi biết là anh rất thích công việc dịch thuật. Điều gì đã khơi dậy sở thích này của anh?
Vào lúc đó, anh em ở Tonga chỉ có vài tờ chuyên đề và sách nhỏ trong tiếng Tonga. Trong thánh chức, họ học Kinh Thánh với người ta bằng sách Lẽ thật duy-nhất dẫn đến sự sống đời đời bản tiếng Anh. Do đó, trong bốn tuần tham gia trường dành cho trưởng lão, ba trưởng lão địa phương đã đồng ý dịch sách này sang tiếng Tonga dù tiếng Anh của họ có giới hạn. Pam đánh máy bản dịch ấy, rồi chúng tôi gửi đến chi nhánh Hoa Kỳ để in. Dự án này kéo dài khoảng tám tuần. Dù chất lượng của bản dịch còn hạn chế, nhưng ấn phẩm ấy đã giúp nhiều người nói tiếng Tonga học chân lý. Tôi và Pam không phải là những người dịch thuật, nhưng kinh nghiệm đó đã khơi dậy niềm thích thú của chúng tôi trong lĩnh vực này.
Chị Pam, đời sống ở các đảo khác với ở Úc như thế nào?
Rất khác biệt! Có những nơi chúng tôi phải đối phó với muỗi, chuột, cái nóng gay gắt và độ ẩm cao, bệnh tật và đôi khi là thiếu thực phẩm. Nhưng vào mỗi cuối ngày thì thật yên bình khi ngắm biển từ căn nhà chúng tôi ở, tiếng Samoa gọi là fale. Đây
là loại nhà đặc trưng của vùng Polynesia, có mái lá và không có tường. Vào những đêm trăng sáng, chúng tôi có thể thấy bóng dáng của những cây dừa và hình ảnh mặt trăng phản chiếu trên mặt biển. Những khoảnh khắc quý giá ấy thôi thúc chúng tôi suy ngẫm và cầu nguyện, suy nghĩ tích cực thay vì suy nghĩ tiêu cực.Chúng tôi rất yêu mến trẻ con tại đó. Lúc nào chúng cũng vui nhộn. Chúng rất tò mò khi thấy những người nước ngoài da trắng như chúng tôi. Khi chúng tôi đến thăm Niue, một cậu bé chà cánh tay rậm rạp của anh Winston và nói: “Cháu thích lông vũ của chú”. Hình như cậu bé ấy chưa từng thấy tay ai nhiều lông như thế và không biết làm sao để diễn tả!
Thật xót xa khi thấy nhiều người phải sống trong tình trạng nghèo khổ. Cảnh vật xung quanh họ rất đẹp, nhưng họ thiếu nước sạch và sự chăm sóc về y tế. Tuy nhiên, anh em của chúng ta dường như không quá lo lắng. Họ quen thuộc với đời sống như thế. Họ hạnh phúc khi có gia đình quây quần bên nhau, có một nơi để tổ chức nhóm họp và có đặc ân ngợi khen Đức Giê-hô-va. Gương của họ giúp chúng tôi tập trung vào những điều quan trọng nhất và giữ đời sống đơn giản.
Đôi khi chị phải tự đi lấy nước và nấu ăn trong điều kiện hoàn toàn khác so với trước kia. Làm thế nào chị làm được?
Cũng nhờ cha đã dạy tôi nhiều điều hữu ích, chẳng hạn như cách nhóm lửa và làm sao để sống trong điều kiện thiếu thốn. Trong một chuyến viếng thăm Kiribati, chúng tôi ở trong ngôi nhà nhỏ được lợp mái lá, tường làm bằng tre và sàn thì bằng san hô. Để nấu ăn, tôi đào một cái hố trên sàn để làm bếp và dùng vỏ dừa khô nhóm lửa. Tôi cũng phải xếp hàng tại giếng cùng với những phụ nữ địa phương để lấy nước. Họ dùng cây gậy dài khoảng 2m và buộc một sợi dây thừng mỏng ở đầu gậy, giống như chiếc cần câu. Nhưng thay vì gắn lưỡi câu vào đầu bên kia của sợi dây thì họ gắn một cái lon. Rồi lần lượt từng người đến múc nước. Sau khi thả dây xuống, họ quất dây, cái lon nghiêng qua một bên và nước tràn vào đầy lon. Tôi nghĩ nó đơn giản lắm, cho tới khi đến lượt mình. Tôi thả dây xuống vài lần, nhưng cái lon chỉ chạm mặt nước rồi nổi lềnh bềnh! Mọi người cười ngặt nghẽo. Sau đó, một phụ nữ đã giúp tôi. Người dân ở đấy rất tử tế và luôn giúp đỡ chúng tôi.
Cả hai anh chị đều yêu thích nhiệm sở của mình tại các đảo ấy. Anh chị chia sẻ vài kỷ niệm đặc biệt được không?
Anh Winston: Cần có thời gian để chúng tôi làm quen với một số phong tục. Chẳng hạn, khi anh em mời chúng tôi dùng bữa, họ thường dọn ra tất cả thức ăn mà họ có. Lúc đầu, chúng tôi không biết là mình phải để lại một phần cho họ nên chúng tôi ăn hết! Tất nhiên, khi biết được điều đó, chúng tôi đã chừa thức ăn lại cho họ. Dù chúng tôi có những sai sót nhưng anh em rất thông cảm. Họ háo hức được gặp chúng tôi khoảng mỗi sáu tháng khi chúng tôi viếng thăm họ. Ngoài anh em địa phương, chúng tôi là những Nhân Chứng duy nhất mà họ tiếp xúc vào thời đó.
Những chuyến viếng thăm của chúng tôi cũng làm chứng tốt cho cộng đồng. Nhiều người dân trong làng nghĩ rằng anh em chúng ta đang theo một tôn giáo do họ tự lập ra. Thế nên, khi thấy có người từ nước ngoài đến thăm anh em, người dân địa phương không chỉ hiểu rõ hơn về tổ chức của chúng ta mà còn thấy ấn tượng.
Chị Pam: Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi là ở Kiribati, nơi hội thánh chỉ có vài anh chị. Ở đó chỉ có một trưởng lão là anh Itinikai Matera. Anh đã hết lòng chăm sóc chúng tôi. Ngày nọ, anh mang đến cho chúng tôi cái giỏ có đựng quả trứng. Anh nói: “Cho anh chị này”. Trứng gà
rất hiếm vào thời đó nên chúng tôi rất quý. Hành động rộng rãi ấy tuy nhỏ nhưng đã động đến lòng chúng tôi.Chị Pam, vài năm sau đó, chị bị sẩy thai. Điều gì giúp chị đương đầu với nỗi đau ấy?
Tôi có thai vào năm 1973 khi vợ chồng tôi đang ở Nam Thái Bình Dương. Chúng tôi quyết định trở về Úc, và ở đó được bốn tháng thì tôi bị sẩy thai. Anh Winston và tôi vô cùng đau buồn. Với thời gian, nỗi đau đó nguôi ngoai, nhưng nó chỉ thật sự vơi đi khi chúng tôi đọc một bài trong Tháp Canh ngày 15-4-2009. Bài “Độc giả thắc mắc” có câu hỏi: “Nếu em bé chết non trong bụng mẹ thì có hy vọng được sống lại không?”. Bài này đảm bảo với chúng tôi rằng Đức Giê-hô-va sẽ là đấng quyết định điều đó và ngài luôn làm điều đúng. Ngài sẽ chữa lành mọi nỗi đau do thế gian gian ác này gây ra khi hướng dẫn Con ngài ‘phá hủy công việc của Sa-tan’ (1 Giăng 3:8). Bài này cũng giúp chúng tôi càng trân trọng “viên ngọc quý giá” mà mình có được khi làm dân của Đức Giê-hô-va! Chúng tôi không biết đời mình sẽ ra sao nếu không có hy vọng Nước Trời.
Sau khi mất con, chúng tôi trở lại thánh chức trọn thời gian. Chúng tôi phụng sự ở Bê-tên Úc vài tháng và cuối cùng trở lại công tác vòng quanh. Năm 1981, sau bốn năm phụng sự ở vùng nông thôn của New South Wales và Sydney, chúng tôi được mời đến chi nhánh Úc, tên gọi thời bấy giờ, và phụng sự ở đó cho đến nay.
Anh Winston, những kinh nghiệm của anh tại các đảo ở Nam Thái Bình Dương có giúp ích cho anh khi làm thành viên của Ủy ban Chi nhánh Úc-Á không?
Có, những kinh nghiệm ấy giúp tôi trong nhiều khía cạnh. Đầu tiên, Úc được giao chăm sóc cho Samoa thuộc Hoa Kỳ và Samoa. Về sau, chi nhánh New Zealand sát nhập với Úc. Giờ đây, khu vực của chi nhánh Úc-Á bao gồm Úc, Samoa thuộc Hoa Kỳ và Samoa, Quần đảo Cook, New Zealand, Niue, Timor-Leste, Tokelau và Tonga. Tôi có đặc ân thăm nhiều nơi trong số đó với tư cách là đại diện chi nhánh. Những kinh nghiệm tôi có cùng với các anh chị trung thành ở những đảo ấy đã giúp ích cho tôi rất nhiều khi giờ đây phục vụ họ từ văn phòng chi nhánh.
Cuối cùng, tôi xin chia sẻ bài học rút ra từ kinh nghiệm bản thân. Đó là vợ chồng tôi nhận ra không chỉ có người lớn mới tìm kiếm Đức Chúa Trời. Người trẻ cũng muốn có “viên ngọc quý giá” ấy, ngay cả khi các thành viên khác trong gia đình không chú ý (2 Vua 5:2, 3; 2 Sử 34:1-3). Là đấng yêu thương, chắc chắn Đức Giê-hô-va muốn tất cả mọi người, cả già lẫn trẻ, đều hưởng được sự sống!
Cách đây hơn 50 năm khi vợ chồng tôi bắt đầu tìm kiếm Đức Chúa Trời, chúng tôi không biết cuộc tìm kiếm đó sẽ mang lại kết quả nào. Sự thật về Nước Trời quả là một viên ngọc vô giá! Chúng tôi quyết tâm nắm chặt lấy viên ngọc này với tất cả sức lực của mình!