Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Họ tình nguyện đến—Philippines

Họ tình nguyện đến—Philippines

Khoảng mười năm trước, vợ chồng anh chị Gregorio Marilou ngoài 30 tuổi, đang làm tiên phong đều đều ở Manila. Vì làm việc ngoài đời trọn thời gian nên làm tiên phong là một thách đố. Tuy nhiên, anh chị ấy đã xoay xở được. Sau đó, chị Marilou được thăng chức làm quản lý trong ngân hàng chị làm. Chị nói: “Công việc của vợ chồng tôi lúc đó mang lại cho chúng tôi một đời sống sung túc”. Họ kiếm được nhiều tiền đến mức quyết định xây một căn nhà như mong ước ở một nơi lý tưởng cách Manila khoảng 19km về phía đông. Họ ký một hợp đồng xây nhà và cam kết trả góp hằng tháng trong 10 năm.

“TÔI CẢM THẤY MÌNH ÐANG ĂN CẮP CỦA ÐỨC GIÊ-HÔ-VA”

Chị Marilou kể lại: “Công việc mới của tôi lấy đi nhiều thời gian và công sức đến mức khiến tôi giảm dần ước muốn tham gia các hoạt động thiêng liêng. Tôi cảm thấy mình đang ăn cắp của Ðức Giê-hô-va”. Chị thổ lộ: “Tôi đã lấy thời gian hứa  dâng cho ngài để thỏa mãn nhu cầu cá nhân”. Vì cảm thấy áy náy nên một ngày nọ, anh chị Gregorio và Marilou đã ngồi lại để nói chuyện về cách họ đang dùng đời sống mình. Anh Gregorio nói: “Chúng tôi muốn thay đổi nhưng không biết phải làm gì. Chúng tôi bàn bạc xem làm thế nào để phụng sự Ðức Giê-hô-va nhiều hơn, nhất là vì chúng tôi không sinh con. Chúng tôi đã cầu xin ngài hướng dẫn”.

Trong thời gian đó, họ nghe một số bài giảng nói về việc phụng sự ở những nơi có nhu cầu lớn hơn. Anh Gregorio nói: “Những bài giảng đó chính là lời đáp của Ðức Giê-hô-va dành cho chúng tôi”. Vợ chồng anh chị đã cầu xin để có thêm đức tin hầu can đảm đưa ra quyết định đúng. Một thử thách lớn đối với họ là dự án xây nhà đang được xúc tiến. Họ đã trả tiền được ba năm. Họ sẽ làm gì? Chị Marilou nói: “Nếu phá hợp đồng, chúng tôi sẽ mất hết số tiền đã thanh toán trước đó, một khoản tiền đáng kể. Nhưng chúng tôi nghĩ đơn giản là mình phải lựa chọn giữa việc đặt ý muốn của Ðức Giê-hô-va lên hàng đầu và việc thỏa mãn ước muốn của bản thân”. Nhớ đến những lời của sứ đồ Phao-lô nói về việc “chấp nhận mất”, họ đã hủy bỏ dự án xây nhà, xin nghỉ việc, bán phần lớn tài sản và chuyển đến một ngôi làng xa xôi ở đảo Palawan, cách Manila khoảng 480km về phía nam.—Phi-líp 3:8.

HỌ ÐÃ “HỌC ÐƯỢC BÍ QUYẾT”

Trước khi chuyển đi, anh chị Gregorio và Marilou đã cố gắng chuẩn bị cho một đời sống đơn giản. Tuy nhiên, họ chưa hình dung được đời sống tại nơi ở mới sẽ đơn giản đến mức nào. Chị Marilou nói: “Chúng tôi rất ngỡ ngàng. Không có điện, không có tiện nghi. Thay vì bật nồi cơm điện, chúng tôi phải bổ củi và nhóm lửa để nấu ăn. Tôi nhớ những trung tâm mua sắm, những bữa ăn ở ngoài và những thứ khác tại thành phố”. Dù vậy, họ luôn nhắc mình về lý do chuyển đi, và không lâu sau họ đã thích nghi. Chị Marilou nói: “Giờ đây, tôi rất thích ngắm cảnh vật thiên nhiên, trong đó có những ánh sao đêm. Trên hết, chúng tôi vui mừng khi thấy niềm hạnh phúc hiện trên khuôn mặt của những người mà chúng tôi rao giảng. Nhờ phụng sự ở đây, chúng tôi ‘học được bí quyết’ để thỏa lòng”.—Phi-líp 4:12.

“Không gì sánh bằng niềm vui được chứng kiến nhiều người mới đổ về hội thánh. Chúng tôi chưa bao giờ thấy đời sống mình có ý nghĩa như thế”.—Gregorio và Marilou

Anh Gregorio kể: “Lúc chúng tôi mới chuyển đến đây, chỉ có bốn Nhân Chứng. Họ rất vui mừng khi tôi trình bày bài diễn văn công cộng mỗi tuần và đệm đàn ghi-ta cho họ hát những bài ca Nước Trời”. Trong một năm, anh chị ấy được chứng kiến nhóm nhỏ này phát triển thành hội thánh gồm 24 người công bố. Anh Gregorio nói: “Tình yêu thương mà hội thánh dành cho chúng tôi đã tác động sâu sắc đến chúng tôi”. Nhìn lại hơn sáu năm phụng sự ở vùng xa xôi ấy, họ bộc bạch:  “Không gì sánh bằng niềm vui được chứng kiến nhiều người mới đổ về hội thánh. Chúng tôi chưa bao giờ thấy đời sống mình có ý nghĩa như thế”.

“TÔI ÐÃ ‘NẾM THỬ VÀ THẤY ÐỨC GIÊ-HÔ-VA TỐT-LÀNH DƯỜNG BAO!’”

Tại Philippines, gần 3.000 anh chị đã chuyển đến những nơi cần thêm người công bố Nước Trời, trong đó có khoảng 500 chị độc thân. Hãy lắng nghe kinh nghiệm của chị Karen.

Karen

Chị Karen hiện nay ngoài 20 tuổi, lớn lên ở Baggao, Cagayan. Khi còn là thanh thiếu niên, chị thường nghĩ về việc mở rộng thánh chức. Chị nhớ lại: “Vì biết rằng không còn nhiều thời gian và mọi loại người cần được nghe thông điệp Nước Trời, nên tôi muốn phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn”. Dù một số thành viên trong gia đình khuyến khích chị học lên cao thay vì chuyển đến một nơi xa xôi để rao giảng, chị Karen đã cầu xin sự hướng dẫn của Ðức Giê-hô-va. Chị cũng nói chuyện với các anh chị phụng sự ở những vùng xa xôi. Lúc 18 tuổi, chị chuyển đến một khu vực cách nhà khoảng 65km.

Hội thánh nhỏ mà chị Karen kết hợp có khu vực gồm nhiều núi, dọc theo bờ biển Thái Bình Dương. Chị nhớ lại: “Từ Baggao đến hội thánh mới, chúng tôi phải đi bộ ba ngày, lên núi xuống đèo và băng qua các dòng sông hơn 30 lần”. Chị nói thêm: “Ðể đến chỗ của một số học viên Kinh Thánh, tôi phải đi bộ sáu tiếng, ngủ qua đêm ở nhà học viên, và hôm sau đi bộ sáu tiếng để trở về”. Mọi nỗ lực đó có đáng công không? Chị Karen tươi cười nói: “Ðôi khi, chân của tôi rất đau, nhưng tôi có đến 18 học hỏi Kinh Thánh. Tôi đã ‘nếm thử và thấy Ðức Giê-hô-va tốt-lành dường bao!’”.—Thi 34:8.

“TÔI ÐÃ HỌC CÁCH NƯƠNG CẬY ÐỨC GIÊ-HÔ-VA”

Sukhi

Ðộng lực nào đã thúc đẩy Sukhi, một chị độc thân ngoài 40 tuổi gốc Ấn Ðộ, đang sống ở Hoa Kỳ, chuyển đến Philippines? Vào năm 2011, chị tham dự một hội nghị vòng quanh và nghe màn phỏng vấn của một cặp vợ chồng. Họ kể lại họ đã bán gần hết tài sản để chuyển đến Mexico hầu giúp công việc Nước Trời ở đó. Chị Sukhi nói: “Nhờ màn phỏng vấn ấy, tôi bắt đầu suy nghĩ về những mục tiêu mà trước đó chưa bao giờ nghĩ đến”. Khi chị Sukhi được biết là đang có nhu cầu về người rao giảng cho người Ấn Ðộ sống ở Philippines, chị quyết định chuyển đến đó. Chị có gặp khó khăn nào không?

Chị Sukhi nói: “Việc quyết định bán đồ nào và giữ lại cái gì khó hơn là tôi tưởng. Ngoài ra, sau 13 năm sống thoải mái trong căn hộ của mình, tôi tạm thời chuyển đến sống với gia đình. Ðiều này không dễ, nhưng đó là cách tốt để tôi chuẩn bị cho một đời sống đơn giản”. Sau khi chuyển  đến Philippines, chị gặp những thách đố nào? Chị Sukhi cho biết: “Nỗi sợ côn trùng và nhớ nhà là thử thách lớn nhất đối với tôi. Tôi đã học cách nương cậy Ðức Giê-hô-va hơn bao giờ hết!”. Nỗ lực ấy có được đền đáp không? Chị cười và nói: “Ðức Giê-hô-va nói với chúng ta: ‘Hãy thử ta xem ta có đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng’. Tôi nghiệm thấy những lời ấy thật đúng khi một chủ nhà nói với tôi: ‘Khi nào cháu sẽ quay lại? Cô vẫn còn nhiều thắc mắc’. Ðiều này mang lại cho tôi niềm vui và thỏa lòng vì có thể giúp những người đang đói khát về tâm linh!” (Mal 3:10). Chị Sukhi nói thêm: “Thật ra, điều khó khăn nhất là quyết định chuyển đi. Nhưng sau khi đã quyết định, tôi thấy Ðức Giê-hô-va dàn xếp mọi việc cho mình. Thật kỳ diệu!”.

‘TÔI ÐÃ VƯỢT QUA NỖI SỢ’

Sime, một anh đã kết hôn và hiện nay gần 40 tuổi, từng rời Philippines đến một nước Trung Ðông để làm công việc có lương cao. Trong thời gian ở đó, nhờ sự khích lệ từ một giám thị vòng quanh và bài giảng của một thành viên thuộc Hội đồng Lãnh đạo, anh Sime được thôi thúc để đặt Ðức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống. Tuy nhiên, anh cho biết: “Nghĩ đến chuyện bỏ việc là cơn ác mộng đối với tôi”. Dù vậy, anh vẫn xin nghỉ việc và trở lại Philippines. Hiện nay, anh Sime và vợ là chị Haidee phụng sự ở một tỉnh phía nam, Davao del Sur, một khu vực rộng lớn cần thêm người công bố về Nước Trời. Anh Sime nói: “Khi nhìn lại, tôi vô cùng vui mừng vì đã vượt qua nỗi sợ mất việc và đặt Ðức Giê-hô-va lên hàng đầu. Không gì thỏa lòng hơn là dâng những gì tốt nhất mình có cho Ðức Giê-hô-va!”.

Sime và Haidee

“CHÚNG TÔI CẢM NGHIỆM ÐƯỢC SỰ THỎA LÒNG SÂU XA!”

Khi anh chị Ramilo Juliet, một cặp tiên phong đều đều ngoài 30 tuổi, biết một hội thánh cách nhà họ khoảng 30km cần sự trợ giúp, họ đã tình nguyện đến hỗ trợ. Mỗi tuần, dù mưa hay nắng, anh chị Ramilo và Juliet đều lái xe máy đi dự các buổi nhóm họp và cùng đi rao giảng với các anh chị ở đó. Dù không dễ để băng qua những con đường gập ghềnh và các cây cầu treo, nhưng họ rất vui vì đã mở rộng thánh chức. Anh Ramilo nói: “Chúng tôi điều khiển tổng cộng 11 cuộc học hỏi Kinh Thánh! Phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn đòi hỏi tinh thần hy sinh, nhưng chúng tôi cảm nghiệm được sự thỏa lòng sâu xa!”.—1 Cô 15:58.

Juliet và Ramilo

Bạn có muốn biết thêm về việc phụng sự ở những nơi có nhu cầu lớn hơn trong nước của bạn hay nước khác không? Nếu có, hãy nói chuyện với giám thị vòng quanh và đọc bài “Bạn có thể ‘qua xứ Ma-xê-đoan’ không?” trong Tháp Canh ngày 15-12-2009.