TỪ KHO TÀNG TƯ LIỆU
“Không điều gì có thể ngăn cản anh chị!”
Đó là mùa xuân năm 1931. Lối vào nhà hát nổi tiếng Pleyel ở Paris có rất đông đại biểu đến từ 23 quốc gia. Những chiếc taxi lớn trả các hành khách ăn mặc lịch thiệp xuống trước cửa nhà hát, và chẳng bao lâu khán phòng chính chật kín. Gần 3.000 người đã đến không phải để nghe nhạc mà là nghe bài giảng của anh Joseph Franklin Rutherford, người dẫn đầu công việc rao giảng của chúng ta thời bấy giờ. Những bài giảng hùng hồn của anh được dịch sang tiếng Pháp, Đức và Ba Lan. Giọng nói trầm ấm và mạnh mẽ của anh Rutherford vang khắp khán phòng.
Hội nghị này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong công việc rao giảng về Nước Trời tại Pháp. Anh Rutherford kêu gọi cử tọa đến từ nhiều quốc gia, đặc biệt là những tín đồ trẻ, phụng sự với tư cách là người phân phát sách đạo ở Pháp. Anh John Cooke, một đại biểu người Anh ở tuổi thiếu niên, không bao giờ quên lời khuyến giục mạnh mẽ sau: “Không điều gì có thể ngăn cản anh chị, là những người trẻ, tham gia vào công việc phân phát sách đạo!”. *
Ngoài anh John Cooke, người sau này trở thành giáo sĩ, còn có nhiều người khác hưởng ứng lời kêu gọi đi đến Ma-xê-đô-ni-a ấy (Công 16:9, 10). Thực tế, số người phân phát sách đạo tại Pháp tăng từ 27 vào năm 1930 lên đến 104 vào năm 1931, một sự gia tăng nổi bật chỉ trong một năm. Vì phần lớn các tiên phong thời ban đầu này không nói tiếng Pháp, làm thế nào họ có thể đương đầu với rào cản ngôn ngữ, điều kiện sống sơ sài và tình trạng cô lập?
ĐƯƠNG ĐẦU VỚI RÀO CẢN NGÔN NGỮ
Những người phân phát sách đạo nước ngoài đã nhờ thẻ làm chứng nói thay cho mình về hy vọng Nước Trời. Một anh nói tiếng Đức rao giảng dạn dĩ ở Paris nhớ lại: “Chúng tôi biết Đức Chúa Trời là đấng quyền năng. Nếu tim chúng tôi đập thình thịch khi đi làm thánh chức thì đó không phải do chúng tôi sợ loài người, mà vì sợ mình có thể quên câu nói ngắn gọn này: ‘Voulez-vous lire cette carte, s’il vous plaît? [Xin mời ông/bà đọc thẻ này]’. Chúng tôi tin chắc rằng công việc mình đang làm thật sự quan trọng”.
Khi rao giảng ở các tòa nhà chung cư, những người phân phát sách đạo thường bị người trông giữ tòa nhà xua đuổi. Một ngày nọ, hai chị người Anh biết rất ít tiếng Pháp phải đối mặt với một người trông giữ tòa nhà hung hãn. Ông hỏi các chị ấy muốn gặp ai. Trong khi cố gắng làm cho người đàn ông đó bình tĩnh, một chị để ý thấy cái biển tráng men nhỏ ở trên cửa có ghi dòng chữ: “Tournez le bouton [Xin bấm chuông]”. Vì nghĩ rằng đó là tên của chủ nhà nên chị ấy vui vẻ trả lời: “Chúng tôi đến đây để gặp bà ‘Tournez le bouton’”.
Tính khôi hài đã giúp ích rất nhiều cho những người phân phát sách đạo sốt sắng này!ĐIỀU KIỆN SỐNG SƠ SÀI VÀ TÌNH TRẠNG CÔ LẬP KHÔNG THỂ NGĂN CẢN HỌ
Vào thập niên 1930, phần lớn người dân ở Pháp phải sống trong điều kiện nghèo khổ, và những người phân phát sách đạo nước ngoài cũng không phải là ngoại lệ. Một chị nói tiếng Anh tên là Mona Brzoska chia sẻ về điều mà chị và người bạn cùng làm tiên phong đã trải qua: “Những chỗ ở của chúng tôi nói chung rất thô sơ, và một trong những vấn đề lớn là việc sưởi ấm vào mùa đông. Chúng tôi thường phải chấp nhận ở trong một căn phòng lạnh giá. Mỗi buổi sáng, chúng tôi phải đập vỡ đá trong vại ra trước khi có thể rửa mặt”. Các tiên phong thời ban đầu có bị nản lòng khi sống trong điều kiện thiếu tiện nghi không? Hoàn toàn không! Một anh trong số đó đã tóm gọn cách thú vị về cảm xúc chung của họ khi nói: “Chúng tôi chẳng có gì hết, nhưng cũng chẳng thiếu gì”.—Mat 6:33.
Những người phân phát sách đạo can đảm ấy cũng phải vượt qua sự cô lập. Vào đầu thập niên 1930, số người công bố Nước Trời ở Pháp chưa tới 700 người và phần lớn là sống rải rác khắp đất nước. Điều gì đã giúp những người phân phát sách đạo bị cô lập duy trì được niềm vui? Một chị tiên phong tên là Mona cùng với người bạn đồng hành từng đương đầu với thử thách ấy. Chị giải thích: “Chúng tôi phải đối phó với sự cô lập này bằng cách đều đặn cùng nhau học các ấn phẩm của Hội. Vì trong những ngày ấy, chúng tôi không thăm lại ai và cũng không điều khiển cuộc học hỏi nào nên buổi tối chúng tôi có thời gian để viết thư cho gia đình, đặc biệt là cho các tiên phong khác để chia sẻ kinh nghiệm và khích lệ lẫn nhau”.—1 Tê 5:11.
Những người phân phát sách đạo có tinh thần hy sinh ấy đã giữ được quan điểm tích cực, bất chấp những trở ngại. Có thể nhận thấy điều này trong các bức thư mà họ gửi tới văn phòng chi nhánh, đôi khi sau hàng thập niên làm tiên phong ở Pháp. Nhìn lại những năm tháng ấy, một chị được xức dầu tên là Annie Cregeen từng đi khắp nước Pháp cùng chồng từ năm 1931 đến năm 1935 đã viết: “Chúng tôi có một đời sống rất hạnh phúc và đầy sự kiện! Là tiên phong, chúng tôi là một nhóm gắn bó với nhau. Như sứ đồ Phao-lô đã nói: ‘Tôi trồng, A-bô-lô tưới, nhưng Đức Chúa Trời làm cho lớn lên’. Thật vui thích khi chúng tôi đã có cơ hội giúp người ta nhiều năm về trước”.—1 Cô 3:6.
Quả thật, những tiên phong thời ban đầu ấy đã để lại một di sản về sự chịu đựng và lòng sốt sắng cho những người muốn mở rộng thánh chức. Ngày nay, có khoảng 14.000 tiên phong đều đều tại Pháp. Nhiều anh chị phụng sự trong nhóm hoặc hội thánh tiếng nước ngoài. * Giống như các anh chị đi trước, họ không để bất cứ điều gì ngăn cản mình!—Từ kho tàng tư liệu ở Pháp.
^ đ. 4 Để biết thêm về công việc rao giảng của những người Ba Lan nhập cư sống tại Pháp, xin xem bài “Đức Giê-hô-va đã đưa anh chị sang Pháp để học sự thật” trong Tháp Canh ngày 15-8-2015.
^ đ. 13 Năm 2014, có hơn 900 hội thánh và nhóm tiếng nước ngoài hoạt động dưới sự giám sát của chi nhánh Pháp, và đang giúp những người có lòng với sự thật trong 70 ngôn ngữ.