Bạn có thể tin cậy các sách Phúc âm trong Kinh Thánh
“Chúng rất được ưa chuộng. Chúng là nguồn cảm hứng cho những bộ phim với chi phí bạc triệu... và những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất... Có những phái Ki-tô giáo tin vào chúng. Tôn giáo mới và thuyết âm mưu khởi nguồn từ chúng”.—SUPER INTERESSANTE, TẠP CHÍ THỜI SỰ CỦA BRAZIL.
Điều gì khiến người ta xôn xao đến thế? Tạp chí trên nói về một bộ văn bản cổ mà gần đây thu hút sự quan tâm và trở thành trọng điểm của nhiều hoạt động trong dân chúng. Bộ sưu tập này gồm các sách giả phúc âm, lá thư, mặc khải của Kinh Thánh, và được phát hiện vào giữa thế kỷ 20 tại Nag Hammadi cùng những nơi khác ở Ai Cập. Bộ sưu tập này và những văn bản tương tự thường được người ta gọi là sách Ngộ đạo hay Ngụy thư *.
Phải chăng có âm mưu?
Thời nay, người ta thường nghi ngờ Kinh Thánh và các tôn giáo lớn cho nên những sách Ngộ đạo hoặc Ngụy thư thu hút nhiều đối tượng. Những văn bản này có ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm của nhiều người về sự dạy dỗ của Chúa Giê-su và Ki-tô giáo. Một tạp chí nói: “Phúc âm theo Thô-ma và một số ngụy thư khác nói trúng tâm lý một nhóm người ngày càng đông: họ là những người có nhu cầu tâm linh nhưng đã mất lòng tin nơi tôn giáo”. Theo ước tính, chỉ riêng ở Brazil “có ít nhất 30 giáo phái lấy Ngụy thư làm nền tảng cho giáo lý của mình”.
Từ lúc được phát hiện, những văn bản này góp phần lan truyền một giả thuyết cho rằng vào thế kỷ thứ tư công nguyên (CN), Giáo hội Công giáo âm mưu bưng bít sự thật về Chúa Giê-su, bỏ bớt một số lời tường thuật về cuộc đời của ngài mà trong Ngụy
thư lại có, và sửa đổi bốn sách Phúc âm. Bà Elaine Pagels, giáo sư thần học, nói: “Bây giờ, chúng ta bắt đầu hiểu rằng diện mạo của Ki-tô giáo, cả những niềm tin truyền thống, thật ra chỉ phản ánh vài nguồn được thanh lọc từ nhiều nguồn”.Theo quan điểm của những học giả như bà Pagels, Kinh Thánh không phải là nguồn mạch duy nhất của đức tin; còn có những nguồn khác như là Ngụy thư. Một chương trình của BBC có tên Điều huyền bí trong Kinh Thánh (Bible Mysteries) về đề tài “Chân dung thật của Ma-ri Ma-đơ-len” cho biết Ngụy thư mô tả bà Ma-ri Ma-đơ-len là “bậc thầy có vai trò dẫn dắt các môn đồ khác. Bà không chỉ là môn đồ mà là sứ đồ của các sứ đồ”. Bình luận về vai trò mà người ta gán cho bà, ông Juan Arias viết trong báo O Estado de S. Paulo của Brazil: “Ngày nay, mọi bằng chứng đều khiến chúng ta tin rằng phong trào mà Chúa Giê-su khởi xướng mang đậm tính nữ quyền, vì những hội thánh đầu tiên họp tại nhà các nữ tín đồ và họ giữ chức linh mục, giám mục”.
Đối với nhiều người, Ngụy thư dường như có thẩm quyền hơn cả Kinh Thánh. Điều này đưa đến một số câu hỏi quan trọng: Các Ngụy thư có thẩm quyền để là nguồn của đức tin không? Khi nội dung của Ngụy thư trái với sự dạy dỗ rõ ràng của Kinh Thánh, thì chúng ta nên tin Kinh Thánh hay Ngụy thư? Phải chăng thật sự có một âm mưu vào thế kỷ thứ tư nhằm giấu giếm các Ngụy thư, cũng như sửa đổi bốn Phúc âm hầu che đậy sự thật về Chúa Giê-su, bà Ma-ri Ma-đơ-len và các nhân vật khác? Để giải đáp những câu hỏi này, chúng ta hãy cùng xem xét một trong bốn Phúc âm của Kinh Thánh là Phúc âm theo Giăng.
Bằng chứng từ Phúc âm theo Giăng
Một mảnh của sách Phúc âm theo Giăng được phát hiện tại Ai Cập vào đầu thế kỷ 20, sau này gọi là Giấy cói Rylands 457 (P52). Nội dung của mảnh này là Giăng 18:31-33, 37, 38 trong bản Kinh Thánh hiện đại, và nó được lưu giữ tại thư viện John Rylands Library, Manchester, Anh Quốc. Cho đến nay, đây là mảnh chép tay xưa nhất của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Nhiều học giả cho rằng nó được viết vào khoảng năm 125 CN, chỉ chừng 25 năm sau khi sứ đồ Giăng qua đời. Thật ngạc nhiên khi người ta so sánh mảnh này với các bản sao mới hơn, thì thấy nội dung hầu như là giống nhau. Hơn nữa, mảnh giấy cói Rylands là chứng cớ cho thấy vào thời rất xưa một bản sao của Phúc âm theo Giăng được truyền đến tận Ai Cập, nơi người ta phát hiện ra mảnh ấy. Vì thế, có thể kết luận là Phúc âm theo Giăng thật sự được viết vào thế kỷ thứ nhất CN và do chính sứ đồ Giăng viết, như Kinh Thánh nói. Vậy, sách Phúc âm này là tác phẩm của một người tận mắt chứng kiến các sự kiện và ghi lại.
Ngược lại, các Ngụy thư đều được viết từ thế kỷ thứ hai trở đi, tức là 100 năm hoặc hơn thế sau khi sự kiện xảy ra. Dù một số chuyên gia lý luận rằng những Ngụy thư này dựa trên các văn bản hoặc truyền thống xưa hơn, nhưng không có bằng chứng nào *
xác minh lập luận đó. Vậy câu hỏi được đặt ra là bạn sẽ tin vào đâu: lời tường thuật của người tận mắt chứng kiến sự kiện, hay lời tường thuật của người sống sau sự kiện 100 năm? Câu trả lời quá rõ ràng.Giấy cói Rylands 457 (P52), một mảnh của Phúc âm theo Giăng có từ thế kỷ thứ hai CN, được sao chép chỉ vài thập niên sau bản gốc
Nói sao về giả thuyết cho rằng các sách Phúc âm trong Kinh Thánh đã bị cắt xén vài phần liên quan đến đời sống của Chúa Giê-su? Chẳng hạn, có bằng chứng nào cho thấy sách Phúc âm theo Giăng bị sửa đổi vào thế kỷ thứ tư hầu bóp méo sự thật không? Để giải đáp cho câu hỏi này, chúng ta cần biết rằng bản Kinh Thánh hiện đại dựa trên vài bản sao quan trọng, trong số đó có bản Vatican 1209 được chép vào thế kỷ thứ tư. Nếu văn bản Kinh Thánh đã bị sửa đổi vào thế kỷ thứ tư, hẳn chúng ta sẽ thấy những thay đổi ấy trong bản Vatican. Để đối chiếu, chúng ta cũng có một bản sao của gần như toàn bộ sách Lu-ca và Giăng là bản Bodmer 14, 15 (P75), có từ khoảng năm 175-225 CN. Theo các chuyên gia, nội dung của hai bản sao này rất giống nhau. Nói cách khác, các sách Phúc âm không bị thay đổi và bản Vatican 1209 chứng minh điều đó.
Không có bằng chứng nào, dù là tư liệu hay hình thức khác, xác minh Phúc âm theo Giăng hoặc các Phúc âm khác bị sửa đổi vào thế kỷ thứ tư. Sau khi xem xét bộ sưu tập gồm các mảnh được phát hiện tại Oxyrhynchus, Ai Cập, tiến sĩ Peter M. Head của trường Đại học Cambridge viết: “Nói chung, các bản sao [trong bộ sưu tập này] chứng minh tính chính xác của văn bản được dùng làm nền tảng cho các bản Kinh Thánh hiện đại, đó là văn bản bằng chữ ông-xi-an (uncial) [tức bản chép tay bằng dạng chữ viết hoa, to và rời của thế kỷ thứ tư]. Không có gì trong các bản sao đó khiến chúng ta phải hiểu khác hoàn toàn thông điệp trong [Tân ước]”.
Chúng ta đi đến kết luận nào?
Ngay từ giữa thế kỷ thứ hai, bốn sách Phúc âm chính điển là Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng đều được các tín đồ Đấng Christ (Ki-tô) khắp nơi công nhận. Cuốn Diatessaron (từ Hy Lạp dia có nghĩa “qua, từ”, tessaron là dạng của từ có nghĩa là “bốn”) mà ông Tatian biên soạn vào khoảng năm 160-175 CN được lưu hành rộng rãi. Tác phẩm này chỉ dựa vào bốn sách Phúc âm chính điển, chứ không dựa vào bất cứ “phúc âm” Ngộ đạo nào. (Xin xem khung “Tác phẩm xưa bênh vực các sách Phúc âm”). Điều cũng đáng chú ý là lời nhận xét của ông Irenaeus, sống cuối thế kỷ thứ hai CN. Ông nói phải có bốn sách Phúc âm như bốn phương trời và bốn hướng gió. Dù sự so sánh này phù hợp hay không, lời ấy vẫn xác nhận chỉ có bốn sách Phúc âm chính điển vào thời đó.
Tất cả những bằng chứng trên cho thấy gì? Đó là phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, kể cả bốn sách Phúc âm, mà chúng ta đang dùng hầu như không thay đổi kể từ thế kỷ thứ hai. Vậy, không đủ cơ sở để tin rằng có
một âm mưu vào thế kỷ thứ tư nhằm sửa đổi hoặc bỏ bớt một phần Kinh Thánh được soi dẫn. Ngược lại, học giả Kinh Thánh là ông Bruce Metzger viết: “Đến cuối thế kỷ thứ hai,... dù khác nhau về nhiều mặt và rải rác khắp nơi, các hội thánh Ki-tô giáo cả ở vùng Địa Trung Hải lẫn từ Anh Quốc đến Mê-sô-bô-ta-mi đều thống nhất ở mức đáng kể về phần lớn số sách thuộc Tân ước”.Sứ đồ Phao-lô và Phi-e-rơ hết lòng ủng hộ Lời Đức Chúa Trời. Cả hai đều cảnh báo anh em đồng đạo không nên tin điều khác với những gì họ được dạy. Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô nói với Ti-mô-thê: “Hỡi Ti-mô-thê, hãy giữ lấy sự giao-phó đã nấy cho con, tránh những lời hư-không phàm-tục và những sự cãi lẽ bằng tri-thức ngụy xưng là tri-thức. Ấy vì muốn luyện-tập tri-thức đó, nên có người bội đạo”. Sứ đồ Phi-e-rơ cũng khẳng định: “Khi chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền-phép và sự đến của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta, thì chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt-để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai-nghiêm Ngài”.—1 Ti-mô-thê 6:20, 21; 2 Phi-e-rơ 1:16.
Cách đây hàng thế kỷ, nhà tiên tri Ê-sai được Đức Chúa Trời soi dẫn đã viết: “Cỏ khô, hoa rụng; nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời!” (Ê-sai 40:8). Chúng ta có thể tin chắc rằng Đấng soi dẫn người viết Kinh Thánh đã bảo tồn sách thánh này qua hàng thế kỷ để cho “mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật”.—1 Ti-mô-thê 2:4.
^ đ. 3 “Ngộ” bắt nguồn từ một từ trong tiếng Hy Lạp nói đến “kiến thức bí mật”, và “ngụy” bắt nguồn từ một từ có nghĩa là “giấu kỹ”. Những từ này được dùng để nói đến các sách không thuộc quy điển của Kinh Thánh, và giả mạo các sách chính điển như Phúc âm, Công-vụ, thánh thư và Khải-huyền trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp (Tân ước).
^ đ. 11 Một vấn đề khác là số lượng bản sao của các Ngụy thư rất hạn chế. Thí dụ, Phúc âm theo Ma-ri Ma-đơ-len chỉ có hai mảnh nhỏ, và một mảnh dài hơn nhưng nội dung lại thiếu phân nửa. Ngoài ra, khi so sánh các bản sao, người ta thấy có những điểm khác biệt đáng kể.