BÀI TRANG BÌA | CHÚNG TA CÓ CẦN THƯỢNG ÐẾ?
Tại sao chúng ta cần Ðức Chúa Trời?
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết việc thỏa mãn nhu cầu vật chất không đủ để mang lại hạnh phúc thật. Chúng ta thấy điều này qua việc người ta muốn vươn đến mục tiêu, theo đuổi một việc có ý nghĩa hoặc hướng đến đấng cao hơn mình. Ðể thỏa mãn nhu cầu ấy, một số người dành thời gian rảnh rỗi cho thiên nhiên, nghệ thuật, âm nhạc v.v. Nhưng đa số không tìm được sự thỏa nguyện sâu xa hoặc lâu dài trong các hoạt động đó.
Ðức Chúa Trời muốn con người hạnh phúc ngay bây giờ và mãi mãi
Việc con người có ước muốn bẩm sinh về nhu cầu tâm linh là điều không lạ đối với các độc giả Kinh Thánh. Các chương đầu của sách Sáng-thế Ký cho thấy sau khi tạo ra cặp vợ chồng đầu tiên, Ðức Chúa Trời thường xuyên nói chuyện với họ, cho phép họ tạo mối quan hệ với ngài (Sáng-thế Ký 3:8-10). Ðức Chúa Trời không tạo ra con người để sống độc lập với ngài; họ có nhu cầu thông tri với Ðấng Tạo Hóa. Kinh Thánh thường đề cập đến nhu cầu này.
Chẳng hạn, Chúa Giê-su nói: “Hạnh phúc thay những ai nhận biết mình cần sự hướng dẫn của Ðức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 5:3). Qua những lời trên, chúng ta có thể kết luận rằng yếu tố thiết yếu để sống hạnh phúc và thỏa nguyện là đáp ứng nhu cầu bẩm sinh, biết về Ðức Chúa Trời. Chúng ta làm thế bằng cách nào? Chúa Giê-su cho thấy lời giải đáp khi nói: “Loài người sống không chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng còn nhờ mọi lời phán ra từ miệng Ðức Giê-hô-va” * (Ma-thi-ơ 4:4). Làm sao các lời phán của Ðức Chúa Trời, tức quan điểm và chỉ dẫn của ngài trong Kinh Thánh, có thể giúp chúng ta sống hạnh phúc và có ý nghĩa? Chúng ta hãy xem xét ba cách cơ bản.
Chúng ta cần sự hướng dẫn hữu ích
Ngày nay, có nhiều nhà chuyên môn và chuyên gia sẵn sàng cho lời khuyên về các mối quan hệ, tình yêu, đời sống gia đình, giải pháp cho cuộc xung đột, hạnh phúc và thậm chí về ý nghĩa đời sống. Nhưng ngoài Ðấng Tạo Hóa của nhân loại, Giê-hô-va Ðức Chúa Trời, thì còn ai khác có khả năng như ngài để cho lời hướng dẫn hợp lý, thăng bằng trong những lĩnh vực này?
Ðể minh họa: Khi mua một món đồ mới, như máy chụp ảnh hoặc vi tính, bạn mong nhận được cẩm nang, giải thích cách sử dụng tốt nhất và dùng thế nào để bạn hài lòng. Kinh Thánh được ví như cuốn cẩm nang như thế. Ðó là cẩm nang chỉ dẫn cho đời sống của con người mà Ðức Chúa Trời, nhà chế tạo, đã làm sẵn cho chúng ta. “Cẩm nang” này giải thích sản phẩm được thiết kế với mục đích nào và cách dùng để đạt hiệu quả nhất.
Như cẩm nang hướng dẫn được viết rõ ràng, Kinh Thánh cảnh báo người đọc về những thực hành có thể đe dọa hoạt động an toàn và đúng cách của “sản phẩm”, tức đời sống chúng ta. Những lời khuyên mà người khác đưa ra có thể hấp dẫn, thậm chí có vẻ dễ làm theo. Nhưng nếu theo sự hướng dẫn của nhà chế tạo, Ðấng Tạo Hóa, chẳng phải chúng ta sẽ đạt kết quả tốt nhất và tránh những vấn đề sao?
“Ta là Ðức Giê-hô-va, Ðức Chúa Trời ngươi, là Ðấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi. Than ôi! ước gì ngươi đã để ý đến các điều-răn ta! thì sự bình-an ngươi như sông, và sự công-bình ngươi như sóng biển”.—Ê-sai 48:17, 18
Giê-hô-va Ðức Chúa Trời cung cấp lời chỉ dẫn mà không ép buộc chúng ta làm theo. Nhưng vì yêu thương và muốn giúp đỡ chúng ta nên ngài tha thiết kêu gọi: “Ta là Ðức Giê-hô-va, Ðức Chúa Trời ngươi, là Ðấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi. Than ôi! ước gì ngươi đã để ý đến các điều-răn ta! thì sự bình-an ngươi như sông, và sự công-bình ngươi như sóng biển” (Ê-sai 48:17, 18). Vậy, nếu vâng theo sự hướng dẫn của Ðức Chúa Trời, chúng ta sẽ có đời sống tốt đẹp. Nói cách khác, để sống tốt đẹp và hạnh phúc, chúng ta cần Ðức Chúa Trời.
Chúng ta cần lời giải đáp cho các vấn đề trong đời sống
Những vấn đề trong đời sống khiến một số người không thể nào tin có một Ðức Chúa Trời yêu thương, thế nên họ thấy mình không cần ngài. Chẳng hạn, có lẽ họ hỏi: “Tại sao người tốt phải chịu khổ?”, “Tại sao một số trẻ sơ sinh vô tội bị khuyết tật bẩm sinh?”, “Tại sao đời sống lại bất công như thế?”. Ðây thật sự là những câu hỏi quan trọng, và việc tìm được lời giải đáp cho những câu hỏi này có thể tác động sâu xa đến đời sống chúng ta. Thay vì nhanh chóng đổ lỗi cho Ðức Chúa Trời, chúng ta hãy xem làm thế nào Lời của ngài, tức Kinh Thánh, cho biết rõ đề tài này.
Trong chương ba của sách Sáng-thế Ký, chúng ta xem lời tường thuật về Sa-tan. Dưới lớp vỏ của con rắn, hắn cố dụ dỗ cặp vợ chồng đầu tiên của nhân loại chống lại mệnh lệnh của Giê-hô-va Ðức Chúa Trời là không ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác. Thậm chí ngài phán rằng nếu ăn thì họ sẽ chết. Sa-tan nói với Ê-va: “Hai ngươi chẳng chết đâu; nhưng Ðức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Ðức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”.—Sáng-thế Ký 2:16, 17; 3:4, 5.
Qua những lời này, Sa-tan không chỉ quả quyết Ðức Chúa Trời nói dối mà còn ngụ ý đường lối cai trị của ngài là bất công. Hắn cho rằng nếu loài người nghe theo hắn, mọi việc sẽ tốt đẹp hơn cho họ. Làm sao có thể chứng minh sự thật? Ðức Giê-hô-va cho thời gian để mọi người có thể thấy các lời cáo buộc về ngài là đúng hay sai. Thế nên, Ðức Chúa Trời cho Sa-tan và những kẻ theo phe hắn cơ hội để chứng minh nếu không có Ðức Chúa Trời thì loài người có thể sống hạnh phúc hay không.
Bạn nghĩ sao về lời quả quyết của Sa-tan? Nếu không có Ðức Chúa Trời, con người có thể sống hạnh phúc và tự cai trị thành công không? Sự đau khổ, bất công, bệnh tật, cái chết, tội ác, đạo đức suy đồi, chiến tranh, nạn diệt chủng và các hành động tàn bạo khác khiến nhân loại phải khốn đốn trong nhiều thế kỷ. Ðó là bằng chứng rõ ràng cho thấy mọi nỗ lực tự trị của con người, độc lập với Ðức Chúa Trời, chỉ mang lại thất bại thảm hại. Thay vì chứng tỏ Ðức Chúa Trời chịu trách nhiệm về sự đau khổ của nhân loại, Kinh Thánh cho biết nguyên nhân chính của các vấn đề trên: “Người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai hại cho người ấy”.—Truyền-đạo 8:9.
Thế nên, rõ ràng là chúng ta cần quay về với Ðức Chúa Trời để không những tìm ra lời giải đáp cho các câu hỏi khúc mắc mà còn biết được giải pháp sao? Ðức Chúa Trời sẽ làm gì?
Chúng ta cần sự trợ giúp của Ðức Chúa Trời
Từ lâu con người mong ước được thoát khỏi bệnh tật, tuổi già và cái chết. Họ mất nhiều thời gian, nỗ lực và của cải để theo đuổi việc này nhưng chỉ thành công một ít hoặc không được gì cả. Một số người đã hy vọng tìm được sự giải thoát qua thuốc trường sinh, suối trường xuân, xứ thần tiên và gần đây qua khoa học v.v. Những mơ ước này hóa ra chỉ mang lại thất vọng.
Ðức Chúa Trời muốn con người có cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc. Ðó là ý định ban đầu của ngài khi tạo ra con người, và ngài không quên điều đó (Sáng-thế Ký 1:27, 28; Ê-sai 45:18). Ðức Giê-hô-va đảm bảo với chúng ta rằng mọi ý định của ngài sẽ được thực hiện (Ê-sai 55:10, 11). Kinh Thánh cho chúng ta biết về lời hứa của Ðức Chúa Trời, ngài sẽ tái lập địa đàng mà cặp vợ chồng đầu tiên đã đánh mất. Sách cuối của Kinh Thánh viết: “Ngài [Giê-hô-va Ðức Chúa Trời] sẽ lau hết nước mắt trên mắt họ, sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa. Những điều trước kia nay đã qua rồi” (Khải huyền 21:4). Ðức Chúa Trời sẽ mang lại những điều tuyệt diệu ấy qua cách nào? Và làm sao chúng ta có thể nhận được lợi ích từ lời hứa này?
Con của Ðức Chúa Trời, Chúa Giê-su Ki-tô, dạy các môn đồ cầu nguyện cho ý Ðức Chúa Trời được thực hiện. Nhiều người quen thuộc hoặc lặp đi lặp lại lời cầu nguyện ấy, được gọi là Kinh Lạy Cha. Bài này nói: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin cho danh Cha được nên thánh. Xin Nước Cha được đến, ý Cha được thực hiện ở trên trời cũng như dưới đất” (Ma-thi-ơ 6:9, 10). Thật thế, Nước Trời là phương tiện để Giê-hô-va Ðức Chúa Trời xóa bỏ những hậu quả thảm hại do con người tự trị và mang đến thế giới mới công chính theo lời hứa của ngài * (Ða-ni-ên 2:44; 2 Phi-e-rơ 3:13). Chúng ta phải làm gì để nhận lợi ích từ lời hứa của Ðức Chúa Trời?
Chúa Giê-su Ki-tô cho biết bước đơn giản mà chúng ta phải làm: “Ðể có được sự sống vĩnh cửu, họ cần phải tìm hiểu về Cha, là Ðức Chúa Trời có thật và duy nhất, cùng đấng mà Cha đã phái đến là Giê-su Ki-tô” (Giăng 17:3). Thật vậy, với sự trợ giúp của Ðức Chúa Trời, đời sống vĩnh cửu trong thế giới mới đã hứa là điều có thể đạt được. Triển vọng ấy có thể cho bạn thêm lý do để trả lời “có” cho câu hỏi: “Chúng ta có cần Ðức Chúa Trời không?”.
Ðây là lúc nghĩ đến Ðức Chúa Trời
Cách đây hai ngàn năm, tại A-rê-ô-ba ở A-thên, sứ đồ Phao-lô nói về Ðức Chúa Trời với những người A-thên phóng khoáng và có nhiều ý niệm riêng: “Chính ngài ban cho mọi người sự sống, hơi thở và mọi điều. Bởi nhờ ngài mà chúng ta có sự sống, hoạt động và tồn tại. Ngay cả một số thi sĩ của quý vị đã nói: ‘Vì chúng ta cũng là con cháu ngài’”.—Công vụ 17:25, 28.
Ðiều Phao-lô nói với người A-thên cũng đúng vào ngày nay. Ðấng Tạo Hóa cung cấp cho chúng ta không khí để thở, thực phẩm để ăn, nước để uống. Nếu không có những điều tốt lành mà Ðức Giê-hô-va cung cấp thì chúng ta không thể sống. Nhưng tại sao Ðức Chúa Trời tiếp tục cung cấp những điều ấy cho mọi người, dù họ có nghĩ đến ngài hay không? Phao-lô cho biết, ngài làm thế “để họ tìm kiếm, mò mẫm và thật sự tìm được ngài, dù ngài không ở xa mỗi người trong chúng ta”.—Công vụ 17:27.
Bạn có muốn biết nhiều hơn về Ðức Chúa Trời, nghĩa là tìm hiểu thêm về ý định và lời khuyên của ngài để sống hạnh phúc ngay bây giờ và mãi mãi không? Nếu có, chúng tôi khuyến khích bạn nói với người phát hành tạp chí này hoặc liên lạc với nhà xuất bản. Họ sẽ sẵn lòng giúp bạn.
^ đ. 5 Giê-hô-va là danh Ðức Chúa Trời được tiết lộ trong Kinh Thánh.
^ đ. 20 Ðể biết thêm về cách Nước Trời sẽ hoàn thành ý định của Ðức Chúa Trời trên đất, xem chương 8 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Có thể đọc trực tuyến hoặc tải sách này tại www.pr2711.com/vi.